Nguồn gen và số lượng ngày càng ít đi
Vùng Bắc Trung Bộ nói chung và vùng đồng bào DTTS ở các tỉnh trong khu vực nói riêng có nhiều giống vật nuôi bản địa chất lượng cao. Đơn cử gà Lạc Sơn (Quảng Bình), gà đen của đồng bào Mông (Nghệ An), lợn Khùa (Quảng Bình)…đều là những đặc sản của địa phương. Nhờ chăn nuôi những giống vật nuôi này, không ít hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, trở nên khá giả. Tuy nhiên, hiện nay các giống vật nuôi bản địa đang có nguy cơ bị lai tạp dẫn đến suy thoái nguồn ghen, thậm chí có nguy cơ biến mất.
Trên thực tế, giống gà Lạc Sơn (Quảng Bình) hiện không còn nhiều. Đáng buồn hơn là giống gà đặc sản này đang có nguy cơ mất dần nguồn gen do người dân lai tạp giống gà bản địa với các giống gà khác. Cùng với đó là quy mô chăn nuôi nhỏ, chưa gắn với ấp nở để duy trì và phát triển đàn… nên số lượng gà Lạc Sơn trên địa bàn ngày càng ít dần.
Không chỉ gà Lạc Sơn, Quảng Bình còn sở hữu đặc sản lợn Khùa. Đây là loài lợn bản địa do người Khùa (dân tộc Chứt) nuôi tại các nông hộ theo phương thức thả rông, tự kiếm ăn và không có chuồng trại. Hiện nay, giống lợn Khùa nuôi tại các bản của đồng bào Chứt ở huyện Minh Hóa còn số lượng ít. Cùng với đó, năng suất sinh sản thấp (số con sinh trung bình 6-7 con/ổ) càng làm cho giống lợn quý này ngày càng ít đi.
Còn tại Nghệ An, giống gà đen từ lâu đã được coi là một đặc sản hạng sang. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại để mua được loại gà này trên thị trường, thì quả là một việc khó. Do số lượng quá ít nên gà đen chỉ đủ cho những đơn hàng đặt trước, hoặc khách quen chủ nuôi….
Gà đen là loài vật nuôi bản địa được đồng bào Mông ở các bản của huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An). Gà có đặc điểm xương đen, thịt đen thơm ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất manh mún, hiện gà đen chủ yếu được chăn nuôi nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu gia đình trong cộng đồng người Mông. Bên cạnh đó, do được nuôi thả với các giống gà khác nên nguồn gen đang bị lai tạo, suy thoái nghiêm trọng.
Khó nhân giống vật nuôi bản địa
Trước nguy cơ các giống vật nuôi bản địa chất lượng cao bị suy thoái nguồn gen và giảm mạnh về số lượng, ngành Nông nghiệp các tỉnh ở Bắc Trung Bộ đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn. Thế nhưng vẫn chỉ dừng lại ở bảo tồn, còn nhân giống ra diện rộng thì còn thiếu nguồn lực đầu tư.
Ở Quảng Bình, để duy trì nguồn gen gà Lạc Sơn, Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình đã thực hiện nghiên cứu, bảo tồn, xây dựng vùng nuôi giống gà Lạc Sơn với số lượng chỉ hơn 1.000 con. Việc nhân giống gà Lạc Sơn ra diện rộng để chăn nuôi thương phẩm đại trà xem ra vẫn còn xa vời.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Hồng Giang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình cho biết: Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã phối hợp với Trung tâm tiến hành đề tài chọn lọc và nhân giống gà Lạc Sơn, nhưng với số lượng không nhiều. Sau khi kết thúc đề tài, thì kinh phí hỗ trợ chỉ đủ cho việc nuôi giữ bảo tồn, không có kinh phí cho công tác chọn lọc và nhân giống. Do đó, năng suất của các đàn giống dần giảm sút và không ổn định.
Chung số phận với gà Lạc Sơn, lợn Khùa cũng chịu cảnh khó nhân giống ra diện rộng. Để bảo tồn nguồn gen quý từ loại lợn này, Trung tâm Giống vật nuôi Quảng Bình chỉ nuôi 40 con để bảo tồn nguồn gen chứ chưa thể sản xuất giống đại trà do thiếu nguồn lực đầu tư.
Đối với gà đen của đồng bào Mông ở Nghệ An, bức tranh bảo tồn và nhân giống loài gà đặc sản này có phần khả quan hơn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An tổ chức nghiên cứu biên soạn các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn giống tốt để phát triển đàn gà đen.
Bên cạnh đó, Dự án phát triển nông thôn miền Tây Nghệ An VE028, các địa phương cũng kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án phát triển vào việc bảo tồn, phát triển giống gà đen trở thành sản phẩm hàng hóa. Song song với đó là chính sách hỗ trợ người dân về vốn, giống, kỹ thuật, thức ăn ban đầu và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản gà đen nhằm nâng cao lợi nhuận cho người nuôi.
Năm 2019, Hội Nông dân Việt Nam cũng đã hỗ trợ 4.000 con giống gà đen địa phương cho 12 hộ gia đình đồng bào Mông ở xã Mường Lống, huyện Quế Phong nuôi. Cùng với đó, Hội cũng hỗ trợ một phần thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh; định hướng phát triển kinh tế tập thể và đưa gà đen trở thành mặt hàng thế mạnh huyện Kỳ Sơn.
Từ 12 hộ được Hội làm “bệ đỡ” cùng với 03 hộ đã xây dựng phát triển gà đen trước đó, liên kết lại thành lập Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi gà đen trên bản Mường Lống 1. Từ Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi Gà đen bản địa đã phát triển lên thành lập được HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng tại xã Mường Lống. Đây là bước đi quan trọng trên hành trình phát triển đàn và bảo tồn nguồn gen quý ở giống Gà đen.
Ông Vừ Tồng Pó (sinh năm 1970 tại bản Mường Lống 2, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng tại xã Mường Lống cho biết: “HTX có 15 thành viên, hiện nay HTX đã sản xuất được con giống và bán gà thương phẩm nhưng vẫn không cung cấp đủ được cho thị trường.
Tín hiệu đáng mừng hơn, trong cộng đồng đồng bào Mông cũng đã có những cá nhân, tập thể bắt tay nuôi gà đen thương phẩm và nhân giống thành công để phát triển kinh tế. Tiêu biểu là thầy giáo người Mông Xồm Bá Cha (Khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn) cũng đã đầu tư xây dựng trang trại gà đen. Sau 4 năm nhân đàn và làm chủ kỹ thuật ấp trứng, hiện nay trang trại này mỗi năm cung cấp khoảng 1.000 con gà giống và gà thương phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, do chưa tiếp cận được với các nguồn vốn vay nên trang trại Gà Đen của thầy Xồm Bá Cha cũng chưa thể mở rộng thêm được quy mô.
Tiền năng để phát triển kinh tế từ các loại vật nuôi bản địa còn rất lớn. Tuy nhiên hiện nay, nguồn gen quý của các loài vật nuôi này đang bị suy thoát, số lượng bị giảm sút nghiêm trọng. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần đầu tư nguồn lực thích hợp để bảo tồn.
Mặt khác, thông qua các chính sách dân tộc để đầu tư gắn việc bảo tồn loài vật nuôi bản địa chất lượng cao với phát triển kinh tế nông hộ. Có như vật thì các giống vật nuôi bản địa mới được bảo tồn và góp phần nâng cao đời sống đồng bào các DTTS.