Giá vàng tăng nóng
Giá vàng miếng SJC trong nước cuối năm 2023 ghi nhận những đợt tăng dữ dội và liên tục lập “đỉnh” mới, với nhiều cái nhất chưa từng có: Đạt mốc cao nhất lịch sử giá vàng tại thị trường Việt Nam; Chênh lệch giá trong nước và quốc tế cao nhất; Chênh lệch giá bán ra-mua vào cao nhất; chênh lệch giá vàng SJC với Rồng Thăng Long và biên độ tăng giảm giá trong ngày cũng lớn nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, mốc giá cao nhất trong lịch sử giá vàng được ghi nhận vào trưa ngày 26/12/2023 với giá bán vàng SJC lên tới trên 80,3 triệu đồng/lượng, tăng 11,91% so với mức 67,4 triệu/lượng ngày 15/1/2023. Cùng ngày 26/12/2023, giá vàng quốc tế giao dịch quanh mức 2.063 USD/ounce, tăng 232 USD/ounce (tương đương tăng 12,7%) so với đầu năm nay. Giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 61,41 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 19 triệu đồng/lượng.
Ngày 29/12/2023, Tập đoàn Phú Quý có giá mua là 71,5 triệu đồng/lượng và giá bán là 76,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào bán ra là 5 triệu đồng/lượng. Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đứng ở mức 62,32 – 63,52 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch giữa giá bán ra của vàng SJC và Rồng Thăng Long là 13 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đã hạ nhiệt chỉ sau một đêm tới 6 triệu đồng/lượng, sau Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng và thông tin ngày 28/12 của NHNN thông báo tháng 1/2024, cơ quan này sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Nguyên nhân nào?
Động lực chính cho đợt tăng nóng của vàng vừa qua gắn với nhiều yếu tố cả từ bên ngoài và bên trong:
Một mặt, các yếu tố làm tăng giá vàng thế giới gắn với các động thái và kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất, cũng như với kỳ vọng đồng USD tụt giá và chỉ số USD đã giảm; Đồng thời, gắn với căng thẳng địa chính trị leo thang của xung đột Nga – Ukraine kéo dài, cộng hưởng với những lo ngại về khả năng Iran đóng cửa eo biển Gibraltar và tình hình địa chính trị phức tạp ở Trung Đông xoay quanh xung đột giữa Israel với Hamas. Trong bối cảnh đó, một số ngân hàng, các quỹ đầu tư chuyển sang xu hướng thận trọng hơn sẽ đổ vốn vào vàng. Tính đến quý III/2023, ngân hàng trung ương các nước đã mua vào khoảng 800 tấn và có thể vượt 1.000 tấn trong năm nay.
Mặt khác, các yếu tố làm tăng giá vàng trong nước không chỉ do giá vàng thế giới tăng, mà còn do lãi suất tiết kiệm tiền đồng xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua; thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản trầm lắng; Nền kinh tế vĩ mô đang trong tình trạng khó khăn, nên các nhà đầu tư bị hạn chế kênh và cơ hội đầu tư để sinh lời cao. Hơn nữa, nguồn cung vàng SJC không có nhiều biến động do Ngân hàng nhà nước không sản xuất thêm; trong khi niềm tin và kỳ vọng của người dân vào thương hiệu SJC cao tạo áp lực tăng giá mua SJC…
Đặc biệt, việc Nhà nước vừa độc quyền vàng miếng SJC, vừa không tăng cung SJC đã biến vàng SJC trở thành một loại tiền tệ ở trong nước. Nói cách khác, giá vàng SJC tại Việt Nam là giá tiền tệ đặc thù chứ không phải là giá vàng nguyên liệu, hoàn toàn phụ thuộc vào cung và cầu trong nước, chứ không hoàn toàn chỉ theo biến động của giá vàng thế giới. Tính độc quyền và thiếu minh bạch về vàng SJC cũng tạo ra độ vênh giá rất lớn giữa vàng miếng SJC với nhiều thương hiệu vàng miếng khác, dù chất lượng và trọng lượng tương đương nhau.
Ngoài ra, dịp lễ hội cuối năm, nhu cầu mua vàng lớn hơn bán nên cũng góp phần đẩy giá vàng SJC lên cao.
Giá vàng phụ thuộc vào xu hướng lãi suất các ngân hàng TW; vào sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và kênh trái phiếu doanh nghiệp và các khoản nợ, vào tình hình địa chính trị, lạm phát và hệ thống tài chính nói riêng…
Cần có các giải pháp để bình ổn thị trường vàng
Trong bối cảnh đó, Công điện 1426 ngày 28/12/2023 của Thủ tướng gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước và các bộ, ngành chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng là kịp thời và đã tạo ra phép màu nhất định khi có tác dụng hạ nhiệt thị trường, kiềm chế đà tăng loạn nhịp của vàng trong nước tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.
Với tinh thần đó, Ngân hàng nhà nước cần sớm thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền. Dứt khoát không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Đặc biệt, cần sớm có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua.
Đồng thời, Ngân hàng nhà nước kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; Tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định. Qua đó đảm bảo có một thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.
Giá vàng trong nước biến động liên tục, thường xuyên lên nhanh nhưng cũng xuống rất nhanh, mang nặng yếu tố tâm lý, nên không dành cho những nhà đầu tư không chuyên, thiếu kinh nghiệm và không có dự phòng.