Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 – 2023).
Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Đề án; Vũ Trọng Lâm – Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đồng chủ trì, điều hành hội nghị.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo một số ban, sở, ngành liên quan. Tại Nghệ An, hội nghị được truyền trực tiếp đến 21 huyện, thành, thị ủy.
GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CƠ SỞ VÀ DÂN TRÍ
Từ năm 2009 đến năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cấp cơ sở, nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Sau khi được thực hiện thí điểm trong 2 năm (2009, 2010) tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đề án được triển khai tại tất cả các cơ sở xã, phường, thị trấn, trấn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đến năm 2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý chủ trương tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2023, đồng thời tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Đề án.
Giai đoạn 2009 – 2023, Đề án đã cung cấp gần 593 đầu sách (cả đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số 14.408.340 bản in về cơ sở. Nội dung sách của Đề án chủ yếu về kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ quyền biên giới, hải đảo; xây dựng nông thôn mới; phổ biến kiến thức pháp luật; kỹ thuật trong nông nghiệp; kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn;…
Đặc biệt, để phù hợp với những thay đổi trong thói quen của cán bộ, đảng viên và sự phổ biến của các thiết bị di động được sử dụng để cập nhật thông tin, tri thức hàng ngày, Hội đồng Chỉ đạo Đề án đã chỉ đạo đổi mới về hình thức sách khi xuất bản thêm đầu sách CD-Audio, được xây dựng thành các chương trình truyền thanh dùng cho đài truyền thanh ở cơ sở; xây dựng Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn (thuviencoso.vn).
Tại Nghệ An, sau khi Đề án và các văn bản hướng dẫn của cấp trên được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt đến các xã, phường, thị trấn để triển khai, thực hiện.
Trong 15 năm qua, tổng toàn tỉnh tiếp nhận gần 375.000 cuốn sách và hơn 7.350 đĩa CD. Đối tượng được thụ hưởng sách trên địa bàn các huyện, thành, thị theo Đề án gồm: Thường trực huyện, thành, thị ủy; Ban Tuyên giáo huyện, thành, thị ủy và 460 xã, phường, thị trấn. Mỗi đơn vị được nhận 1 bộ sách/1 đợt, với tổng số tài liệu nhận được từ năm 2011-2022 mỗi đơn vị hơn 500 cuốn sách và 10 đĩa DVD, CDR/1 đơn vị được thụ hưởng Đề án.
Các tham luận tại hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Đề án, những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình hiệu quả; đồng thời kiến nghị, đề xuất những phương hướng, giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án.
CÁCH TIẾP CẬN MỚI ĐỂ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Đề án đã góp phần cụ thể hóa chủ trương hướng về cơ sở, gần dân, phục vụ nhân dân của Đảng; góp phần phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế.
Trên cơ sở phân tích bối cảnh, tình hình đặt ra trong giai đoạn mới, để tiếp tục thực hiện Đề án hiệu quả, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh yêu cầu cấp ủy, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên các cấp cần tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt; đặc biệt phải nêu gương để phát triển văn hóa đọc.
Cùng với đó, cần chủ động nắm bắt nhu cầu, mong muốn của nhân dân để chọn lựa nội dung, hình thức thể hiện, cách chuyển tải phù hợp; không máy móc, không giáo điều; có tỷ lệ sách phù hợp đáp ứng nhu cầu chung, vừa có tỷ lệ sách phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Hội đồng chỉ đạo Đề án tham mưu Ban Bí thư, Bộ Chính trị giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt Đề án, đặc biệt là cần đặt trong mối quan hệ, lồng ghép với thực hiện Đề án với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cùng với đó, công tác tổ chức thực hiện cần đa dạng, phong phú, nhất là phải có cách tiếp cận mới để tạo thu hút, hấp dẫn đối với người dân; đồng thời cần hết sức quan tâm, xem việc hoàn thiện các điều kiện để người dân có thể truy cập, đọc sách trên không gian mạng là khâu đột phá thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành ủy, các nhà xuất bản… trong tổ chức thực hiện Đề án 15 năm qua.
Thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, trên cơ sở tổng kết, nhất là qua các ý kiến thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, Hội đồng chỉ đạo Đề án tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, chuẩn bị chu đáo để báo cáo Ban Bí thư và đề xuất các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án giai đoạn mới hợp nhất; vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa có tầm nhìn; vừa đáp ứng với nhu cầu chung của đất nước, vừa đáp ứng thực tiễn ở cơ sở.