Tranh thủ nắng lên, gia đình chị Hồ Thị Liên, thôn Đại Đồng, xã Quỳnh Liên ra đồng thu hoạch cà rốt cho đơn hàng xuất vào Đà Nẵng. Cà rốt trồng trên đất cát tơi xốp nên củ to và đều, không bị sâu, vẹo, chỉ cần nhấc nhẹ tay là có thể nhổ lên cả cụm.
Chị Liên cho biết, gia đình có 20 sào đất, trong đó có 10 sào trồng cà rốt giống 108; Năng suất đạt 1,5 tấn/sào.
Theo chị Liên, giá bán cà rốt có sự khác nhau giữa các ruộng tùy thuộc vào sự đánh giá của thương lái về khả năng sinh trưởng, phát triển của cây và chất lượng củ. Gia đình chị may mắn hơn nhiều hộ khi trà cà rốt không bị ảnh hưởng của thời tiết, mẫu mã, chất lượng, độ đồng đều của củ đảm bảo nên bán được giá cao, từ 8.500-9.000 đồng/kg.
Tại ruộng của gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn Liên Hải, xã Quỳnh Liên, không khí thu hoạch cũng rất nhộn nhịp, đông vui. Với 30 sào đất, gia đình chị trồng cà rốt gối vụ, cách nhau 45 ngày để tránh rủi ro khi gặp tình trạng cung vượt quá cầu hoặc thiên tai. Trà cà rốt xuống giống sớm nhất đã bắt đầu cho thu hoạch, củ nào củ nấy vàng óng, to đều. Cà rốt loại 1 được bán ra thị trường khắp các tỉnh và xuất khẩu. Cà rốt loại 2 được bán ra chợ, còn loại 3 nhỏ, vẹo xấu hơn được bán cho người chăn nuôi hươu, thỏ.
Chị Liên cho biết, cà rốt là loại cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh nên bà con chủ yếu sử dụng phân bón vi sinh. Trừ chi phí đầu tư khoảng 4 triệu đồng/sào, mỗi sào cà rốt đem lại thu nhập khoảng 8 triệu đồng. Hiện tại, trà cà rốt vụ chính cũng đã xuống giống được 2 tháng và sẽ thu hoạch vào dịp Tết. Đồng thời chị cũng dành hơn 5 sào đất và bắt đầu xuống giống vụ muộn, dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 3 năm sau. Vào thời điểm thu hoạch, gia đình đều phải thuê nhân công để kịp thời vụ với mức tiền công 300.000 đồng/người/ngày.
Xã Quỳnh Liên có tổng diện tích trồng rau màu 370 ha, trong đó có 100 ha cà rốt. Những năm gần đây, loại cây này được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, các thương lái đặt hàng thu mua tại ruộng thuận tiện cho đầu ra nên bà con yên tâm sản xuất. Quy trình trồng cà rốt sạch không khó đối với bà con, đặc biệt là vùng đất cát tơi xốp sau khi được dọn sạch cỏ dại, bừa kỹ sẽ san phẳng rồi lên luống, rắc phân, bón lót, gieo hạt. Cà rốt được gieo trồng từ tháng 8 đến đầu tháng 2 năm sau; có thời gian sinh trưởng từ 100-130 ngày.
Ông Hoàng Ngọc Anh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Liên cho biết: Xã Quỳnh Liên đã xây dựng được 2 sản phẩm rau màu đạt chuẩn 3 sao OCOP là su su và cà rốt, đồng thời mở các lớp tập huấn sản xuất rau an toàn. Bà con tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc hóa học mà dùng phân vi sinh, vì vậy sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng. Sản lượng cà rốt của Quỳnh Liên chủ yếu được thu mua vận chuyển về các công ty, doanh nghiệp, thương lái trên địa bàn xã để sơ chế, bảo quản và chế biến tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước”.
Với năng suất trái vụ đạt từ 1,5-2 tấn/sào, chính vụ đạt 2 – 2,5 tấn/sào, 1 ha cà rốt cho thu hoạch bình quân trên 40 tấn củ, với giá bán 9.000 đồng/kg thì sẽ đạt khoảng 360 triệu đồng/ha. Hiện tại, cà rốt là cây trồng mang lại giá trị cao nhất tại vùng đất cát ven biển xứ Nghệ.