Trên các thôn, bản của huyện Quế Phong, quan sát cho thấy nhiều hộ nông dân dựng cây rơm, hoặc lán rơm bên góc vườn.
Bà Lô Thị Lân ở bản Na Pú (nay là khối Thái Phong) thị trấn Kim Sơn cho hay, gia đình bà nuôi 4 con bò, 2 con trâu và làm 4 sào ruộng. Trong 2 năm lại nay, cứ sau vụ thu hoạch lúa, gia đình thu gom toàn bộ rơm, phơi khô, dựng thành 2 cây rơm ngay trong vườn nhà.
Nhờ đó, vào những ngày mưa gió, hoặc rét đậm, rét hại, đàn trâu, bò có nguồn thức ăn dự trữ, không lo đói, sức khoẻ được đảm bảo. Để đảm bảo cây rơm không bị ướt, ẩm mốc, bà Lan sử dụng tấm ni lông phủ lên đỉnh cây rơm, nên nước mưa không ngấm vào cây rơm được.
“Trước đây, vào những ngày rét đậm, rét hại, trâu bò nhốt chuồng, nhưng không có cây rơm, nên gia đình phải đi lấy thức ăn từ các loại lá cây, vất vả song vẫn không đủ cho trâu, bò ăn no. Từ khi xây được cây rơm to, ban ngày trâu, bò ra đồng ăn cỏ, tối về cho ăn thêm rơm, nên đàn bò phát triển tốt. Những ngày rét đậm, rét hại gia đình không còn lo thức ăn cho chúng nữa”, bà Lô Thị Lân chia sẻ.
Cách đó không xa, hộ ông Nán Văn Ngọc nuôi 3 con trâu và làm 5 sào ruộng. Khác với các hộ khác là dựng cây rơm, thì gia đình ông làm lán chứa rơm lợp bằng tấm xi măng và che chắn xung quanh kín đáo. “Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, toàn bộ rơm rạ không ai thu gom, mà đốt ngay tại ruộng, gây ô nhiễm môi trường, thì nay nhà nào cũng thu gom, nên ruộng gọn sạch, trâu bò có nguồn thức ăn khô dự trữ, không lo đói rét như trước”, ông Nán Văn Ngọc cho hay.
Xã Mường Nọc là địa phương có diện tích lúa nước nhiều nhất huyện Quế Phong. Ông Trần Điệp Trùng Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nọc cho biết: Sau 2 năm tuyên truyền, đôn đốc việc thu gom rơm, làm cây rơm, làm thức ăn dự trữ cho trâu bò, phần lớn các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã thực hiện. Do đó, đến nay trên địa bàn xã đã có trên 200 hộ làm được cây rơm, lán rơm, đảm bảo thức ăn dự trữ cho trâu, bò.
Năm 2022, UBND huyện Quế Phong triển khai công tác tuyên truyền, đôn đốc việc thu gom rơm rạ, “xây” cây rơm làm thức ăn dự trữ cho trâu bò, do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện. Theo đó, khảo sát đầu năm 2022 cho thấy, toàn huyện có 3.755 hộ chăn nuôi/tổng số 13.175 hộ sản xuất lúa có thu gom rơm rạ, chiếm 28,5%. Trong đó có 3.429 hộ làm lán rơm, 326 hộ làm cây rơm. Sau 2 năm triển khai, số hộ làm lán rơm và cây rơm đã tăng lên hơn 5 nghìn hộ, chiếm khoảng 40%.
Ông Phạm Hoàng Mai – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết: Vào mỗi vụ thu hoạch lúa, đơn vị phân công cán bộ xuống cơ sở, phối hợp với địa phương tuyên truyền, đôn đốc bà con nông dân thu gom rơm, rạ để làm thức ăn dự trữ cho trâu bò. Cách dự trữ rơm rạ bằng lán, hoặc “xây” cây rơm dễ thực hiện, tiết kiệm diện tích, dự trữ được thời gian dài, làm thức ăn tốt cho trâu bò.
“Trước khi xây cây rơm, bà con chọn vị trí đất cao, khô ráo, dùng một cây gỗ dài cắm xuống đất làm trụ, lấy cây tre hoặc gỗ kê cao làm sàn cách mặt đất 30 – 50cm, trải lên sàn một lớp bạt. Sau đó rơm khô được rải đều xung quanh trụ và dẫm chặt theo từng lớp một cho đến khi rơm cao đến ngọn trụ, dùng tấm ni lông, hoặc bạt trùm lên. Cây rơm thường có đường kính 3 – 4 m. Khi bà con thu gom rơm rạ, không những đàn vật nuôi đảm bảo nguồn thức ăn trong những ngày rét đậm, rét hại, mà còn tránh được tình trạng đốt rơm rạ ngoài đồng, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường”, ông Phạm Hoàng Mai cho hay.
Theo bà con cho biết, trước đây trâu bò thường chết vào mùa đông giá rét, nguyên nhân ngoài thời tiết rét đậm, còn do đói vì không có thức ăn dự trữ. Do vậy, việc “xây” cây rơm mà UBND huyện đã chỉ đạo trong hai năm qua là thiết thực, được bà con nông dân thực hiện và thay đổi nhận thức trong chăn nuôi./.