Hôm nay, 26/12/2024 tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Công ty TNHH UPL Việt Nam thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác về việc phối hợp thực hiện Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050″.
Theo bản ký kết thỏa thuận này, Cục Bảo vệ thực vật và Công ty TNHH UPL sẽ phối hợp tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả cho nông dân, trong đó tập trung ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, xây dựng tài liệu, quy trình phòng trừ sinh vật gây hại trên một số cây trồng chủ lực.
Tập huấn cho người buôn bán, đại lý thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm, an toàn, hiệu quả, đúng quy định. Phối hợp với địa phương tập huấn, hướng dẫn các đại lý kiến thức chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên chú trọng hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Dự kiến, hàng năm, sẽ có khoảng 2.000 lớp được tổ chức với 40.000 nông dân tham dự, tập trung tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Sơn La, Nghệ An, Phú Yên, Bình Định, Hải Dương, Lâm Đồng, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh.
Công ty TNHH UPL Việt Nam cũng dự kiến mở 20 lớp với 600 đại lý tham dự tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Nội dung quan trọng tiếp theo trong bản thỏa thuận hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật và Công ty TNHH UPL Việt Nam đó là xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên các cây trồng chủ lực như lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả,… Mở rộng sản xuất và tăng cường phát triển các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, trong năm 2025, Công ty TNHH UPL Việt Nam dự kiến đăng ký 3 sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học; xây dựng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên lúa tại Long An và trên sầu riêng tại Tiền Giang.
Đánh giá cao sự hợp tác của Công ty TNHH UPL Việt Nam trong việc thực hiện Đề án Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TS.Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, việc đẩy mạnh, phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Chiến lược này, Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành 4 đề án về phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, đề án về phát triển sức khỏe tổng hợp cây trồng và đề án về sức khỏe đất.
“Mục tiêu của các đề án này nhằm đưa ra các giải pháp kỹ thuật, mô hình sản xuất nhằm tiết giảm chi phí đầu vào, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc hóa học, từ đó giúp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Do vậy, các hợp tác công tư sẽ đem lại những giải pháp kỹ thuật tiên tiến để quản lý sinh vật gây hại hiệu quả”, ông Đạt nói.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thông qua những hoạt động cụ thể, thường xuyên và thiết thực, chúng ta có thể kỳ vọng chương trình sẽ tạo đòn bẩy quan trọng, giúp ngành nông nghiệp hướng tới giá trị xuất khẩu cao hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, an toàn và bền vững.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Panda Tanaya Ranjan, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH UPL Việt Nam, UPL đã có mặt ở thị trường thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam 25 năm. Với thế mạnh về nghiên cứu các sản phẩm sinh học với phòng nghiên cứu hiện đại đặt ở Ấn Độ, những năm qua, UPL đã cung cấp nhiều sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giúp nông dân trên thế giới, nông dân Việt Nam bảo vệ mùa màng mà vẫn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
“Việc chọn 2 đối tượng là lúa và sầu riêng đã được nghiên cứu kỹ, bởi Việt Nam có thế mạnh về sản xuất lúa gạo, đồng thời sầu riêng đang là loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao nổi bật. Thông qua kinh nghiệm đã thực hiện ở Ấn Độ và một số quốc gia có điều kiện tương đồng, UPL đã giảm khoảng 20% lượng thuốc BVTV hóa học mà người dân sử dụng. Chúng tôi kỳ vọng có thể tái hiện thành tựu này tại Việt Nam”, ông Panda nói.
Thực hiện các đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã tăng cường các hoạt động ký kết, hợp tác để đẩy mạnh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Mỗi doanh nghiệp tham gia chương trình ký kết đều có những thế mạnh riêng trong công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; xây dựng mô hình. Với việc đẩy mạnh hợp tác công – tư trong phát triển sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Cục Bảo vệ thực vật hy vọng mục tiêu tăng lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 30% so với tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng; nâng tỷ lệ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam lên 30% so với tổng số thuốc bảo vệ thực vật sẽ sớm thành hiện thực.