Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/12 |
Dự kỳ họp có đồng chí Nguyễn Đức Trung – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.
Các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Đồng chí Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và nội dung chất vấn đối với ngành Văn hóa. |
Trước vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã trả lời, làm rõ các nhóm vấn đề về giải pháp thực hiện. Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 -2025 tỉnh Nghệ An, tỷ lệ làng, bản, khối phố văn hóa đạt 71 – 73%; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đạt tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 82%. Hiện toàn tỉnh có 222 mô hình văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh được công nhận, 4025 đội văn nghệ quần chúng; có 737.186/851.151 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 87%). Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát triển được quan tâm.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đăng đàn giải trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
Toàn tỉnh đang lưu giữ hệ thống di sản phong phú, đa dạng với 2602 di tích danh thắng, 485 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 6 di tích quốc gia đặc biệt, 145 di tích cấp quốc gia, 334 di tích cấp tỉnh, gần 50 nghìn hiện vật, di vật, cổ vật. Có 546 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 89 di sản lễ hội, 6 di sản tiếng nói, chữ viết, 68 di sản nghề thủ công truyền thống, 47 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 29 di sản ngữ văn dân gian, 147 di sản tập quán xã hội, 160 di sản tri thức dân gian. Trong đó, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng có mặt ở Nghệ An và 09 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần và phát huy nhân tố con người Nghệ An.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời
Đại biểu Trần Ngọc Sơn (Tân Kỳ) đặt câu hỏi tại phiên chất vấn. |
Đại biểu Trần Ngọc Sơn (Tân Kỳ) đặt câu hỏi về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Ông nêu vấn đề: Hiện không có quy định, quy chuẩn cụ thể về kích cỡ, vật liệu quảng cáo, dẫn đến tình trạng biển bảng có đủ hình dạng, màu sắc, kích thước và được lắp đặt tùy tiện ở nhiều vị trí. Quảng cáo rao vặt trên tường, cột điện, cây xanh vẫn còn phổ biến, làm mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, việc biển hiệu lấn chiếm vỉa hè cũng ảnh hưởng đến giao thông. Đại biểu đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao (VHTT) nêu giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước để khắc phục tình trạng này, đồng thời cân nhắc việc quy định quy chuẩn thống nhất về mẫu mã, kích thước biển quảng cáo, bởi quảng cáo không chỉ phục vụ doanh nghiệp mà còn góp phần giữ gìn mỹ quan và đặc trưng của đô thị loại 1.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giải trình vấn đề đại biểu nêu. |
Giải trình vấn đề này, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết Hiện hoạt động quảng cáo ngoài trời đã có các quy định pháp lý, bao gồm Luật Quảng cáo, các Thông tư, Nghị định, và quy định từ Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng. Ngành Văn hóa Nghệ An cũng đã tham mưu ban hành Quyết định 6544 về quy hoạch quảng cáo ngoài trời và các định mức kỹ thuật để xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo. UBND tỉnh đang triển khai các nội dung này hiệu quả.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Trong thời gian tới, ngành sẽ đưa ra các giải pháp mới để khắc phục bất cập, nhất là việc ứng dụng công nghệ hiện đại như màn hình LED, làm thay đổi nhu cầu và vị trí quy hoạch. Năm 2024, Sở đã tham mưu đề cương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quảng cáo và sẽ triển khai các nội dung bài bản hơn vào năm 2025.
Ngoài ra, Sở phối hợp cùng các địa phương, đặc biệt tại TP Vinh, để quy hoạch quảng cáo ngoài trời bài bản, đảm bảo văn minh đô thị. Ngành cũng sẽ phối hợp với các chuyên gia để khảo sát vị trí quy hoạch, hướng tới xây dựng TP Vinh sạch đẹp, hiện đại hơn.
Liên quan đến đề xuất đặt tên “Đại lộ Võ Nguyên Giáp” cho tuyến đường Vinh – Cửa Lò, bà Hạnh cho biết: Hiện đã được đưa vào ngân hàng tên đường. Sau khi tuyến đường này hoàn thiện và bàn giao, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh đặt tên đại lộ theo tên Đại tướng.
Phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm
Đại biểu Cao Tiến Trung (Tương Dương) đặt câu hỏi về hành động cụ thể của ngành VH, cũng như những địa điểm có không gian diễn xướng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh phù hợp. |
Đại biểu Cao Tiến Trung (Tương Dương) nêu vấn đề bảo tồn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh: Tại lễ kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo phát triển dân ca này thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Đại biểu đặt câu hỏi về hành động cụ thể của ngành để triển khai chỉ đạo trên, cũng như những địa điểm có không gian diễn xướng phù hợp.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Về vấn đề này, bà Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giải trình: Tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, xây dựng chiến lược truyền thông bài bản về dân ca Ví, Giặm. Hiện nay, Sở đang tham mưu xây dựng Đề án phát triển dân ca Ví, Giặm, đã được BTV Tỉnh ủy thông qua và chuẩn bị trình Thủ tướng phê duyệt.
Nội dung đề án bao gồm: Hoàn thiện Nhà hát dân ca Ví, Giặm tại số 77 Nguyễn Du, nơi sẽ tổ chức chương trình “Thanh âm Ví, Giặm” hàng ngày, bán vé cho khách du lịch. Xây dựng các không gian diễn xướng tại Vinh, Cửa Lò, Kim Liên (Nam Đàn), Bảo tàng Nghệ An, giúp du khách vừa thưởng thức vừa tham gia biểu diễn. Thể nghiệm sáng tạo mới để thu hút giới trẻ, xuất bản sách về các ứng tác dân ca mới.
Giải quyết bất cập trong hệ thống thiết chế văn hóa
Đại biểu Trần Thị Khánh Linh (TP Vinh) nêu lên tình trạng thiết chế văn hóa tại các địa phương chưa đồng bộ, |
Đại biểu Trần Thị Khánh Linh (TP Vinh) và Trần Thị Thanh Huyền (Thanh Chương) nêu lên tình trạng thiết chế văn hóa tại các địa phương chưa đồng bộ, nhiều cơ sở xuống cấp, thiếu trang thiết bị, gây lãng phí.
Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, sau sáp nhập hành chính, tỉnh có 1.820 thôn với tình trạng vừa thừa vừa thiếu thiết chế văn hóa. Đến nay, 812 thôn đã được lựa chọn cải tạo, 358 nhà văn hóa quy hoạch đầu tư mới.
Đại biểu Trần Thị Thanh Huyền (Thanh Chương) nêu câu hỏi. |
Sở đã tham mưu ban hành quy chế quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, nhưng do vướng mắc về Luật Tài sản công nên chưa thể trình phê duyệt. Trong giai đoạn 2025-2030, ngành sẽ xây dựng các trung tâm văn hóa đa chức năng, nhà thi đấu cấp tỉnh đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, góp phần đưa TP Vinh trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Các giải pháp đồng bộ này thể hiện nỗ lực của tỉnh Nghệ An trong việc cải thiện quản lý quảng cáo ngoài trời, bảo tồn di sản văn hóa và nâng cao hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa.
Giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống và phát triển đời sống văn hóa cơ sở
Đại biểu Lục Thị Liên (Con Cuông) cho rằng văn hóa hiện đại cùng công nghệ số đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với bản sắc dân tộc. |
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa và bảo tồn giá trị truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá các chỉ tiêu liên quan chưa thật sự chặt chẽ, trong khi văn hóa hiện đại cùng công nghệ số đang tạo ra những thách thức không nhỏ đối với bản sắc dân tộc. Đại biểu Lục Thị Liên (Con Cuông) dẫn chứng, theo Nghị quyết 18 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ làng bản, khối phố văn hóa đạt 71-73% và tỷ lệ xã, phường có thiết chế văn hóa thể thao theo quy định đạt 82%. Tuy nhiên, đến năm 2023, các chỉ tiêu này mới lần lượt đạt 68,7% và 67,3%. Bà Liên nhận định, một số nơi chưa thực chất trong việc triển khai các thiết chế văn hóa, khiến tỷ lệ đạt được chỉ dừng lại ở con số hình thức, chưa phản ánh đúng mức chất lượng đời sống văn hóa cơ sở.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giải trình vấn đề đại biểu nêu. |
Trả lời ý kiến này, bà Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu và thực hiện các cơ chế chính sách nhằm đạt được các chỉ tiêu đề ra. Bà thừa nhận, ở một số địa phương, chất lượng thực hiện còn hạn chế; tuy nhiên, nhìn chung, các mục tiêu vẫn đang được triển khai một cách đồng bộ và cơ bản đạt kết quả tích cực. Nghệ An là một trong những địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm điển hình trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Song song với các chỉ tiêu phát triển thiết chế văn hóa, một thách thức lớn khác được đặt ra là sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai, đặc biệt từ phương Tây và Hàn Quốc. Giới trẻ ngày càng bị cuốn theo các trào lưu hiện đại, trong khi không ít người sao nhãng, thậm chí xa rời các giá trị truyền thống. Những yếu tố không phù hợp trong âm nhạc, thời trang và lối sống đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành nhân cách và bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Đứng trước thực trạng này, ngành Văn hóa đã xây dựng chiến lược truyền thông bài bản nhằm quảng bá và khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống. Các giá trị di sản, như dân ca Ví, Giặm – vốn được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại – đang được số hóa và lưu trữ để tiếp cận đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngoài ra, ngành cũng tham mưu ban hành các chính sách hỗ trợ nghệ nhân – những người được ví như linh hồn của văn hóa dân tộc – để họ tiếp tục duy trì và truyền đạt những tinh hoa của dân ca, nhạc cụ và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác.
GS-TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm rõ thêm nội dung bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. |
Đặc biệt, giáo dục được xem là lĩnh vực quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. GS-TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh thêm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Ông cho biết, chương trình giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12 tại Nghệ An đã lồng ghép nội dung về văn hóa, lịch sử, con người và tiềm năng kinh tế của tỉnh. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh được thẩm thấu các giá trị văn hóa truyền thống một cách tự nhiên, hiệu quả.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật tại các trường học miền núi và khu vực dân tộc thiểu số, nơi học sinh được học tiếng mẹ đẻ, tiếp cận nhạc cụ truyền thống và tham gia các hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Những nỗ lực này không chỉ giúp gìn giữ tiếng dân tộc mà còn góp phần lan tỏa văn hóa truyền thống đến thế hệ trẻ.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. |
Nghệ An còn chú trọng gắn kết việc bảo tồn giá trị văn hóa với phát triển du lịch. Các lễ hội, chương trình biểu diễn dân ca, và hoạt động văn hóa thể thao đang được tổ chức thường xuyên nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Đây không chỉ là cơ hội để quảng bá vẻ đẹp văn hóa xứ Nghệ, mà còn là cách để đưa những giá trị truyền thống vượt ra khỏi biên giới, vươn tầm quốc tế.
Đại biểu Moong Văn Tình (Quế Phong) đặt câu hỏi: Miền Tây xứ nghệ giàu tiềm năng phát triển. Một trong số đó là bức tranh đa sắc màu bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc trên địa bàn. Việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá ấy là nguồn lực lớn vừa phát triển văn hoá xã hội, nâng cao đời sống, vừa giữ được bản sắc văn hoá nơi đây, thời gian tới ngành sẽ triển khai các hoạt động trọng tâm nào để giữ bản sắc văn hoá, phát triển du lịch? |
Đại biểu Nguyễn Duy Cần (TP Vinh) nêu thực trạng hiện nay khối xóm bản đều có nhà văn hoá. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng nhưng chật hẹp, trang thiết bị kém. Nhiều khu vực chỗ ngồi chỉ đạt 30-50% nhu cầu nên nhiều nơi không đủ số lượng dân để tổ chức cuộc họp. Hiện có bao nhiêu % tỉ lệ văn hoá đạt chuẩn, giải pháp khắc phục? |
Ngoài ra, câu hỏi của các đại biểu khác liên quan đến: Tăng cường đào tạo VĐV trẻ và xử lý gian lận tuổi trong bóng đá; Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa tỉnh xứng tầm; Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa sau sáp nhập hành chính; Tỉ lệ cán bộ phụ trách văn hoá cấp xã theo quy định: 20% Đại học; 50% Trung cấp, thực trạng hiện nay ở tỉnh ta đạt bao nhiêu?…Các vấn đề này đều được bà Trần Thị Mỹ Hạnh giải trình chi tiết, nhấn mạnh các giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, đầu tư, tới tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.
Đại biểu Lê Thị Kim Chung (Quỳnh Lưu) nêu câu hỏi. |
Đại biểu Lữ Thị Khuyên (Con Cuông) nêu câu hỏi. |
Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường phát biểu làm rõ thêm nội dung liên qian. Ông nhìn nhận, thời gian qua một số điểm di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh đã hút được du khách và cho rằng, nếu có sự phối hợp tốt hơn giữa các ngành, các cấp; trùng tu tôn tạo các sản phẩm đồng bộ hơn; gắn với thực hiện tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi đầu tư vào du lịch; nâng cao nhận thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, nguồn nhân lực để phục vụ khách du lịch thì tiềm năng này sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường phát biểu giải trình. |
Tập trung nâng cao chất lượng văn hóa thể thao, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ông Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cơ bản tán thành các giải pháp mà Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao đã trình bày, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh, ngành Văn hoá – Thể thao và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nội dung sau:
Tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng, coi văn hoá ngang hàng với chính trị và kinh tế. Văn hoá phải là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững. Cần triển khai hiệu quả Luật Di sản sửa đổi và các Nghị quyết, đề án về phát triển văn hoá, đặc biệt là Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Ông Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực văn hóa. |
Cùng với đó, cần chú trọng các chương trình quốc gia với con người là trung tâm, lấy văn hoá xứ Nghệ làm nền tảng tinh thần. Các danh hiệu làng, bản, khối phố, đơn vị văn hoá cần được công nhận thực chất, tránh hình thức, đồng thời phải gắn liền với việc kiểm tra, đánh giá và rút danh hiệu nếu không đạt chuẩn. Cần tăng cường các giải pháp phòng chống tệ nạn xã hội và bảo đảm an toàn, lành mạnh cho môi trường học đường và vui chơi giải trí của trẻ em.
Hệ thống thiết chế văn hoá thể thao tại cơ sở cần được rà soát và nâng cấp, huy động nguồn lực trang bị phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hoá, thể thao của nhân dân. Tham mưu phương án xây dựng TP Vinh trở thành trung tâm văn hoá của vùng Bắc Trung bộ, đồng thời là trung tâm huấn luyện thể thao thành tích cao.
Các quy định về hương ước, xây dựng hệ thống văn hoá cơ sở cũng cần được hoàn thiện, đặc biệt là quy chế về nhà tang lễ vùng đô thị. Cần phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và người có uy tín trong cộng đồng, tiếp tục khơi dậy nguồn lực nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.
Các đại biểu tham dự. |
Đầu tư phát triển dịch vụ công nghiệp văn hoá và bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể cũng là ưu tiên. Đồng thời, cần duy trì các hoạt động ứng dụng nền tảng số để truyền tải chương trình văn hoá nghệ thuật tới đồng bào vùng sâu, vùng xa và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Mở rộng giới thiệu giá trị văn hoá các dân tộc trong và ngoài nước, góp phần nâng cao tri thức và tâm hồn con người Nghệ An, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Ngoài ra, các hoạt động văn hoá thể thao cũng cần được đổi mới và nâng cao hiệu quả, đặc biệt là trong các dịp lễ hội lớn. Cần nghiên cứu và đầu tư để Nghệ An có đủ cơ sở vật chất đăng cai các sự kiện văn hoá, thể thao tầm quốc gia và quốc tế tại TP Vinh và Nam Đàn.
HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình đột phá, đưa Nghệ An trở thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ, theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. Đồng thời, chú trọng quy hoạch không gian quảng cáo hợp lý, đảm bảo mỹ quan đô thị và trật tự giao thông, tăng cường thanh tra, kiểm tra quảng cáo ngoài trời.
HĐND tỉnh cũng yêu cầu rà soát, nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, nghệ nhân, nghệ sĩ từ cơ sở đến tỉnh, sắp xếp tinh gọn các cơ quan, đơn vị trong ngành Văn hóa, để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa gắn với kinh tế. Các sở, ngành và địa phương liên quan được yêu cầu triển khai thực hiện các nội dung này và báo cáo kết quả.
Nguồn: https://www.truyenhinhnghean.vn/thoi-su-chinh-tri/202412/giam-doc-so-vhtt-nghe-an-cam-ket-bao-ton-di-san-nang-tam-thiet-che-van-hoa-57d1d24/