Ảnh minh họa (Ảnh: M.P). |
Dư nợ trên 27.000 tỷ đồng
Tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định, đề ra các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các bộ, ban, ngành.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với một số nội dung chính như: Đối tượng vay vốn bao gồm pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Các NHTM tự cân đối nguồn vốn để cho vay với lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM. Ngành ngân hàng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ; chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đến nay đã có kết quả vượt mục tiêu đề ra theo mục tiêu của Chính phủ.
Kết quả thống kê cho biết đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 27.000 tỷ đồng, với trên 9.100 khách hàng còn dư nợ. Doanh số cho vay năm 2022 khoảng 15.000 tỷ đồng, năm 2023 trên 20.000 tỷ đồng, 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, nợ quá hạn ở mức thấp (chiếm tỷ lệ khoảng 1,1% tổng dư nợ).
Các công nghệ sản xuất trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đã được ngành ngân hàng cho vay để đầu tư và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế; góp phần đưa các nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Võ Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á chia sẻ, chẳng hạn đã thành lập hội đồng tư vấn đầu tư để tư vấn phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, áp dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ số, quản trị hiện đại…
Tiêu biểu ngân hàng đã tư vấn cho Tập đoàn TH đầu tư dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung ở Nghệ An với quy mô đầu tư 1,2 tỷ USD, trên tổng diện tích 37.000 ha đất và 200.000 con bò, trong đó 100.000 con cho sữa với kỹ thuật công nghệ hiện đại.
Vẫn còn một số vướng mắc
Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thời gian qua còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Trong đó có vướng mắc nổi bật người dân, doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, chưa có phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và phương án trả nợ khả thi, thị trường tiêu thụ không ổn định. Nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính còn hạn chế, công tác hạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo.
Để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ông Võ Văn Quang – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế thu hồi đất sử dụng không hiệu quả một cách quyết liệt để tập trung đất đai, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp đủ “Tâm”, đủ “Tầm”, là lực lượng có đủ năng lực, tiềm lực về vốn, tài chính, về quản trị kinh doanh, về công nghệ, kỹ thuật, về tư duy thị trường sản phẩm để sắp xếp, tổ chức sản xuất, hướng dẫn và thu hút người dân đi theo cùng làm, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng.
Nhằm tăng cường khả năng cung ứng và tiếp cận vốn tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất cho lĩnh vực này.
Phó Thống đốc yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng. Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, quản lý dòng tiền để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng. Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Phó Thống đốc cũng mong muốn các doanh nghiệp, hộ dân cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị kinh doanh, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ số tự động hóa vào các quy trình sản xuất, kinh doanh./.