“Chưa năm nào được mùa như năm nay”
Chỉ trong vòng 2 ngày, gia đình bà Lê Thị Thắm, xóm Tân Thượng, xã Hậu Thành, Yên Thành đã thu hoạch xong 5 sào lúa cấy giống Thái xuyên 111 và ND502. “Lúa trĩu bông, hạt chắc mẩy nặng trĩu, chưa năm nào vụ xuân được mùa như năm nay, năng suất lên tới gần 4 tạ/sào”, bà Thắm vui vẻ.
Những năm trước, mặc dù chăm sóc tốt, ruộng lúa của gia đình bà chỉ đạt khoảng hơn 3 tạ/sào là cao. Không chỉ vậy, lúa xuân năm nay ít sâu bệnh, hầu như không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí giảm hẳn, giá trị tăng cao.
Là một trong những địa phương sản xuất vụ xuân sớm nhất tỉnh, đến ngày 20/5, trên đồng ruộng của huyện Yên Thành, lúa xuân đã được thu hoạch xong. Theo ông Lê Văn Hồng – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất lúa xuân năm nay đạt gần 75 tạ/ha (vụ xuân năm 2023 đạt 73,03 tạ/ha).
Không chỉ được mùa, lúa cũng rất được giá. Lúa tươi được thu mua ngay tại ruộng với giá 680.000 – 750.000 đồng/tạ tuỳ loại giống, thậm chí như lúa Thái xuyên 111 lên tới 800.000 đồng/tạ. “Toàn huyện có 3.700 ha lúa sản xuất có liên kết giữa nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp, năng suất đạt 76 – 77 tạ/sào, được bao tiêu thu mua lúa tươi ngay tại ruộng. Không chỉ ở những diện tích liên kết, mà tại các diện tích khác, lúa tươi cũng được “săn lùng”, nhu cầu thu mua lớn”, ông Lê Văn Hồng cho hay.
Lịch thời vụ ở gần 3.000 ha vùng sâu trũng được đẩy sớm hơn 10 ngày, những diện tích khác cũng chấp hành khá nghiêm túc lịch thời vụ, nên sản xuất vụ xuân tại Yên Thành ngay từ đầu vụ đã né tránh được những bất lợi của thời tiết. Khi có rét đậm đầu vụ, cây lúa đã phát triển tốt nên không bị thiệt hại; giai đoạn lúa làm đòng và trổ không gặp không khí lạnh và trời âm u nên thụ phấn đậu bông tốt tạo năng suất cao; kể cả khi giông lốc cuối vụ, sản xuất cũng không bị thiệt hại nhiều do lúa xuân đã được thu hoạch sớm.
Các bộ giống tiến bộ với trên 70% diện tích sản xuất các giống lúa thuần chất lượng như Bắc thơm, TBR225… đã không chỉ tạo năng suất, sản lượng mà giá trị sản xuất cũng được nâng cao. Toàn huyện có 6.500 ha được cơ giới hoá đồng bộ từ làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái cho đến khâu thu hoạch; hơn 4.000 ha cấy máy, sử dụng mạ khay do các Hợp tác xã Thọ Thành, Liên Thành, Nam Thành, Trung Thành và Minh Thành cung ứng, liên kết sản xuất; nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa IPHM nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất…
Từ ngày 10/5, gia đình ông Phạm Văn Khai ở xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên đã bắt đầu thu hoạch lúa xuân. Năng suất 5 sào lúa của gia đình ông đạt hơn 3 tạ/sào, cao hơn vụ xuân 2023 (2,8 tạ/sào). “Năm nay thời tiết thuận hơn, ít sâu bệnh”, ông Khai cho biết. Đến nay, Hưng Nguyên đã thu hoạch được gần 4.700 ha/5.100 ha lúa vụ xuân. Ông Lê Viết Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Năng suất cao hơn vụ xuân năm ngoái, dự ước đạt từ 68- 70tạ/sào. Cùng với thắng lợi về năng suất, giá trị sản xuất vụ xuân của Hưng Nguyên cũng đạt rất cao với hơn 70% diện tích là các giống lúa thuần chất lượng như Bắc thịnh, AC5, HD11… được các xã tập trung chuyển đổi.
Từ nguồn vốn hỗ trợ được sử dụng một cách hiệu quả và hợp lý, sự chỉ đạo quyết liệt, vụ xuân năm nay Hưng Nguyên xây dựng được 42 cánh đồng mẫu lớn với diện tích xấp xỉ 1.000 ha, chiếm gần 20% diện tích lúa toàn huyện với quy trình sản xuất đồng bộ, thống nhất, năng suất đạt cao, chất lượng đồng đều so với sản xuất không liên kết, có bao tiêu thu mua sản phẩm; sản xuất theo các quy trình tiến bộ ICM, SRI, chương trình sản xuất lúa cải tiến thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trên địa bàn đã bắt đầu sản xuất lúa tạo tín chỉ carbon tại xã Châu Nhân.
Chỉ trong vụ xuân, đã có hơn 60 cuộc tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại được tổ chức; huyện trích ngân sách hỗ trợ nông dân che phủ nilon chống rét cho mạ từ đầu vụ, nhờ đó khoảng hơn 80% diện tích mạ đã được che phủ nilon. Với những diện tích gieo thẳng, Hưng Nguyên tập trung tuyên truyền, khuyến cáo bà con nghiêm túc chấp hành lịch thời vụ, nhờ đó đã cơ bản né tránh, chống chịu được những điều kiện bất thuận của thời tiết, rét đậm rét hại vào đầu vụ.
Vụ xuân thắng lợi toàn diện
Vụ xuân năm nay tại Nghệ An là một vụ sản xuất thắng lợi khá toàn diện. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua đánh giá thực tế trên đồng ruộng, năng suất lúa dự ước đạt khoảng 69,15 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận; có lạnh đầu vụ nhưng không lạnh sâu mà chỉ lạnh vừa và thời gian của từng đợt lạnh không kéo dài, nhờ đó cây lúa có thời gian hồi phục, sinh trưởng và phát triển rất đều. Thắng lợi còn đến từ sự chỉ đạo quyết liệt về lịch thời vụ, phòng trừ sâu bệnh hại, điều tiết thuỷ lợi phục vụ tưới cho cây lúa…
Mặc dù đó cũng chính là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh hại phát triển, tuy nhiên nhờ công tác dự tính dự báo, phòng trừ được thực hiện kịp thời, nên Nghệ An đã kiểm soát, phòng trừ rất tốt các loại sâu bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn ngay từ đầu và giữa vụ, đặc biệt ở giai đoạn lúa trổ, hạn chế ảnh hưởng năng suất.
Đặc biệt vụ xuân năm nay, các địa phương và bà con nông dân đã chấp hành khá nghiêm túc lịch thời vụ do ngành Nông nghiệp đưa ra, nhờ đó ở những thời điểm phát triển quan trọng của cây lúa như gieo cấy, làm đòng, trổ bông đều cơ bản né tránh được những yếu tố thời tiết bất lợi. Nhờ có các đợt mưa xen kẽ nên mặc dù có thiếu nước cục bộ ở một số diện tích đòi hỏi phải tiến hành các biện pháp tình thế, xả nước từ các hồ chứa thuỷ điện, nhưng về cơ bản nguồn nước thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Các bộ giống mới, năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào ngày càng nhiều, vừa giúp nâng cao năng suất, tạo sản lượng, vừa nâng cao giá trị sản xuất, đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân.
Đến nay, Nghệ An đã thu hoạch được gần 70.000 ha lúa vụ xuân. Các địa phương đang tiếp tục chỉ đạo tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa vụ xuân trên những diện tích lúa đã chín nhằm đảm bảo khung thời vụ sản xuất hè thu; Những vùng đã thu hoạch, bà con đang ra đồng khẩn trương sản xuất hè thu theo phương châm “càng sớm càng tốt”, nhất là với những diện tích vùng sâu trũng, chạy lụt cuối vụ.