Vừa trở về sau chuyến đi khoan giếng ở huyện Quỳ Châu, anh Nguyễn Văn Dũng (38 tuổi) – người có thâm niên trong nghề đi khoan giếng ngót nghét 20 năm nay ở thôn Nhân Tiến – cho biết: “Cuộc sống vốn khó khăn bởi đất ruộng ít, trồng keo chỉ mới bắt đầu chục năm trở lại đây. Nhà tôi hai vợ chồng với 2 đứa con nên “thiếu trước hụt sau” là chuyện thường ngày. Nhưng từ khi có nghề khoan giếng, gia đình có nguồn thu nhập khá ổn, thêm điều kiện để nuôi các con ăn học”.
Anh Dũng trước đây cũng bươn chải với đủ thứ nghề, lúc thì đi làm công nhân, lúc thì đi cắt keo thuê, phụ hồ… mà cuộc sống gia đình vẫn luẩn quẩn “vay chỗ nọ vá chỗ kia”. May mắn đến với anh Dũng từ khi anh xin được một chân phụ việc khoan giếng cho người trong xóm. Sau nhiều năm đi làm chân thợ phụ, khi đã có kinh nghiệm và chút vốn riêng và vay mượn thêm từ người thân, ngân hàng, anh Dũng đã đầu tư giàn khoan giếng riêng, từ đó công việc của anh ngày một thuận lợi.
Theo nhẩm tính của anh Dũng, hiện nay toàn xã Tiến Thành có khoảng 30 máy khoan giếng, thì khoảng 20 máy là của người xóm Nhân Tiến. Nếu so với nhiều năm trước, số lượng máy khoan đã giảm đi đáng kể vì chi phí nhân công, dầu ngày một cao; một số tỉnh cũng hình thành nghề khoan giếng nên thị trường thu hẹp hơn trước. Tuy nhiên, dịp nắng nóng này, hầu hết các máy trong xã đều đã bộn việc.
Anh Nguyễn Văn Nguyên (42 tuổi) trú xóm Nhân Tiến, xã Tiến Thành, cho biết: “Tôi làm nghề khoan giếng được hơn 20 năm nay. Lúc đầu vốn ít nên khoan máy điện vất vả, nay hai anh em chung vốn đầu tư 2 máy khoan bằng hơi trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Bước vào mùa nóng, các anh em trong làng đều làm không hết việc, bởi nhu cầu sử dụng nước của người dân ngày một lớn.
Những ngày đầu làm nghề, việc khoan giếng chỉ phục vụ nhu cầu trong huyện. Đến nay, hầu hết anh em trong làng đều đi làm ở khắp các tỉnh trong cả nước như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Tây Nguyên, Kon Tum… Có những tốp thợ còn sang cả bên Lào để làm.
Ông Đặng Văn Miêng – xóm trưởng xóm Nhân Tiến, cho biết: “Đi tiên phong trong nghề khoan giếng ở làng phải kể đến các hộ ông Nguyễn Văn Chất (58 tuổi), ông Nguyễn Vương Thống (57 tuổi). Những ngày này các tốp thợ đều đi làm, nên khách có muốn gặp hay gọi đi khoan giếng thì chỉ có cách liên lạc qua điện thoại”.
Theo các chủ máy khoan, mỗi tốp thợ khoan giếng cần khoảng 3 người, gồm một thợ chính là chủ máy, một thợ phụ và một người lái xe chở máy. Hiện nay ở làng có những hộ đầu tư cả 3 máy như hộ anh Hùng, hay có 2 máy như anh Lực, cũng làm việc liên tục suốt ngày đêm.
Theo những người thợ, nghề khoan giếng bắt đầu vào mùa chính trong năm khoảng 3 tháng 5,6,7, vì thời điểm này thời tiết nắng nóng nên nhiều nơi rất khan hiếm nước. Còn công việc rải quanh năm lúc nào cũng có. Người thuê khoan để lấy nước sinh hoạt, tưới cây, phục vụ sản xuất ở trên đồi, hay phục vụ công trình xây dựng. Trung bình mỗi chiếc giếng khoan có giá khoảng 5-10 triệu đồng tiền công, nhưng có những giếng khoan sâu, to và ở những vùng đất khó, thì chi phí có thể đến trăm triệu đồng. Nhờ vậy, trung bình mỗi tháng người thợ khoan giếng có thu nhập khoảng 10 – 30 triệu đồng, một năm người có công việc đều thu nhập từ 100 – 300 trăm triệu đồng.
Ông Phan Văn Vũ – Chủ tịch UBND xã Tiến Thành, cho biết: “Từ lâu làng Nhân Tiến đã có thương hiệu “làng khoan giếng”. Hiện nay dù nhiều người có tuổi đã nghỉ nghề, nhưng làng Nhân Tiến vẫn có nhiều máy khoan giếng bằng hơi giá trị từ 800 triệu đồng – 1,8 tỷ đồng/máy. Nhờ có nghề khoan giếng mà cuộc sống của người dân làm nghề khấm khá hẳn”.