Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có liên kết bao tiêu sản phẩm được triển khai trong vụ xuân năm 2024 tại xã Liên Thành với quy mô 10 ha, có 38 hộ tham gia, sử dụng loại giống J02 (giống lúa thuần nhập nội từ Nhật Bản). Diện tích trên được ứng dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật, như ứng dụng cơ giới hóa vào canh tác lúa theo hướng hữu cơ (sử dụng máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hoàn, máy bay không người lái để bón phân, phun thuốc…).
Thông qua mô hình nhằm đánh giá hiệu quả của việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Lựa chọn được giống lúa thích nghi, kháng một số sâu bệnh hại, cho năng suất và chất lượng gạo ngon. Đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Qua kết quả theo dõi và đánh giá cho thấy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ 10 ha tại xã Liên Thành đạt được năng suất tương đối cao 70,4 tạ/ha, giá thu mua lúa tươi 7.700 đồng/kg, lãi thu về tương đối cao so với mặt bằng sản xuất lúa hiện nay (đạt 34.545.000 đồng/ha). Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng một số dòng thuốc có nguồn gốc sinh học.
Nên ngay từ đầu vụ nông dân đã làm cỏ bằng tay, bắt ốc, chuột thủ công và sử dụng một số bẫy bả chua ngọt để thu gom ốc bươu vàng trên ruộng. Đồng thời, điều tiết nước ngập khô xen kẽ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Đây là mô hình thâm canh lúa hiệu quả, phù hợp với trình độ, nhu cầu của nông dân và xu thế phát triển của sản xuất, góp phần hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Huyện Yên Thành đang tiến tới nền nông nghiệp xanh, sạch, vì vậy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là một trong những giải pháp để đạt tới xu hướng này. Về lâu dài huyện Yên Thành sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, trước mắt Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành sẽ đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con trên địa bàn huyện.
Thêm một thuận lợi khi triển khai mô hình này là ngay tại địa bàn huyện Yên Thành có nhà máy chế biến gạo của Tập đoàn TH, với dây chuyền công nghệ hiện đại. Số lượng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ thu mua về đều được chế biến tại đây cho ra sản phẩm chất lượng, hạt gạo bóng, đều, đẹp để bán cho thị trường khắp cả nước. Tiến tới tham gia vào thị trường xuất khẩu, qua đó nâng giá trị gạo hữu cơ nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân.