Cháy rừng do đốt thực bì
Mới đây, ngày 30/4 đã xảy ra cháy rừng tại xóm Tân Phong, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, sau đó lửa đã cháy lan sang địa phận rừng thông thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn. Ngay khi phát hiện vụ cháy, chính quyền địa phương 2 huyện Nam Đàn, Thanh Chương đã huy động lực lượng “4 tại chỗ”, kiểm lâm, công an cùng phương tiện chữa cháy nhanh chóng cơ động đến hiện trường, phối hợp với lực lượng chức năng tại chỗ và nhân dân tiến hành chữa cháy rừng.
Theo thống kê sơ bộ ban đầu, có gần 10 ha rừng bị thiêu trụi. Rừng bị cháy chủ yếu là keo, bạch đàn, thông, còn lại là trảng cỏ, lau lách. Đây là đất rừng được giao cho hộ gia đình bảo vệ, quản lý.
Thông tin ban đầu, ngày 30/4, ông V.Đ.N. ở xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương sau khi thu hoạch cây keo đã thuê 3 người dọn thực bì, đốt lửa gây ra vụ cháy rừng. Hiện, cơ quan chức năng đang hoàn tất hồ sơ để xử lý các trường hợp trên theo quy định của pháp luật.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy rừng, trong đó, hành vi đốt lửa xử lý thực bì để trồng keo, tràm là một trong những nguy cơ cháy rừng cao trên diện rộng, khó kiểm soát, thường xảy ra trong những năm gần đây. Mặc dù chính quyền các địa phương, lực lượng kiểm lâm khuyến cáo người dân không đốt thực bì mùa nắng nóng, tuy nhiên, tình trạng này vẫn tái diễn.
Thời điểm từ tháng 1-5/2024, đi qua các xã dọc đường mòn Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Tân Kỳ, không khó nhận thấy tình trạng người dân ồ ạt đốt xử lý thực bì tràn lan để trồng keo, tiềm ần nguy cơ cháy rừng cao. Chủ một vườn keo ở xã Nghĩa Bình cho biết: Xử lý thực bì bằng cách đốt sẽ nhanh hơn, đỡ được chi phí thuê nhân công thu dọn nên hầu hết người dân đều chọn cách này.
Hàng năm, huyện Tân Kỳ trồng khoảng 5.000 ha rừng nguyên liệu, theo thói quen, hầu hết bà con đều thực hiện đốt xử lý thực bì để trồng rừng. Vấn đề này vừa gây ô nhiễm môi trường sống, vừa ảnh hưởng đến việc cấp chứng chỉ (FSC). Huyện Tân Kỳ đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân giảm thiểu tình trạng đốt thực bì, thực hiện phương pháp thu gom thực bì đưa đến nơi an toàn.
Một số xã ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu… thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng người dân tự ý đốt xử lý thực bì tràn lan để trồng keo, gây nguy cơ cháy rừng cao.
Cần kiểm soát chặt việc đốt thực bì
Ông Trần Quốc Minh – Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Hàng năm, Nghệ An trồng từ 16.000-18.000 ha rừng nguyên liệu, chủ yếu là cây keo, trước khi trồng rừng hầu hết bà con đều sử dụng phương pháp xử lý đốt thực bì để trồng keo. Điều đáng lo nhất vẫn là việc người dân xử lý thực bì trồng keo ở gần các khu vực rừng thông dễ gây cháy rừng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng từ đốt xử lý thực bì trong mùa nắng nóng, Chi cục Kiểm lâm đã thực hiện nhiều giải pháp.
Trước hết, yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu rừng trọng điểm, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân. Tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì dùng lửa trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng, thực hiện ký cam kết với các hộ dân ngay sau khi khai thác rừng, về việc không đốt thực bì trong những ngày nắng nóng.
Giao các đơn vị chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh kịp thời xây dựng, trình thẩm định, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong đó, lưu ý các biện pháp xử lý thực bì bằng biện pháp đốt trước làm giảm vật liệu cháy; xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng đường băng cản lửa phải thực hiện trong điều kiện thời tiết thích hợp.
Khi thực hiện các biện pháp xử lý thực bì có sử dụng lửa thì yêu cầu cân nhắc điều kiện thời tiết phải phù hợp, phải bố trí người trông coi, sẵn sàng phương án và lực lượng dập lửa, không để cháy lan vào các khu rừng. Trước khi đốt xử lý thực bì thì chủ rừng phải chủ động thông báo cho hạt kiểm lâm sở tại, chính quyền địa phương cấp xã biết để giám sát, đảm bảo an toàn tuyệt đối về phòng cháy, chữa cháy rừng.
UBND cấp xã và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên trong suốt thời kỳ cao điểm về cháy rừng. Kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định, nội quy về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng đối với các khu rừng, đặc biệt là trách nhiệm quản lý của chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân sống trong rừng và ven rừng.
Trong thời gian nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, phải duy trì quân số và trực 24/24 giờ hàng ngày tại Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp, hạt kiểm lâm, chủ rừng và tại các chòi canh lửa. Bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
Đặc biệt, đối với các khu vực rừng trồng sản xuất, gần với khu vực rừng thông dễ cháy, các chủ rừng cần phải xây dựng các đường băng cản lửa tại các lô, khoảnh nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm những đối tượng cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.