Mở đường phát triển
Ngày 15/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Đô Lương đạt chuẩn nông thôn mới. Để có thể hoàn thành, đạt được các chỉ tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Trần Văn Hiến cho biết, ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị, thì một trong những động lực giúp huyện đạt nhiều thành công trong phát triển kinh tế – xã hội chính là nhờ các nguồn vốn đầu tư công. Về các địa phương ở huyện Đô Lương hôm nay, thấy rõ những đổi thay tích cực khi các trục đường lớn được mở rộng; nhiều công trình nhà làm việc, trường học, đường giao thông được nâng cấp, xây mới.
Tại xã Thuận Sơn, cùng với những nỗ lực góp sức xây dựng huyện nông thôn mới, hiện nay, xã này đang dồn lực để hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Lợi cho biết, ở tất cả các xóm, các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước đã “kích thích” người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới đạt gần 11 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2023, nhân dân các xóm đóng góp gần 2 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 1,5 tỷ đồng, ngân sách cấp trên hơn 7,2 tỷ đồng. Nhờ vậy, khắp các thôn, xóm ở xã Thuận Sơn ngày nay đã có đường sá đi lại rộng rãi, đường kênh mương các xứ đồng thuận tiện; một số hạng mục ở các trường học cũng đang được xây dựng, sửa sang.
Theo lãnh đạo UBND huyện Đô Lương, hiện nay, huyện đã hoàn thành việc lập các quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, như: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương; Đề án đề nghị công nhận đô thị Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV. Phối hợp với các sở, ngành và các chuyên gia xây dựng và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét và ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Những chuyển biến đó là nhờ “cú hích” từ các nguồn vốn đầu tư công đã được ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng các công trình trọng điểm, các công trình phục vụ dân sinh, công trình phúc lợi công cộng; nhất là đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông và các cơ sở hạ tầng để đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Sự nỗ lực của huyện trong giải ngân vốn đầu tư công cũng là biện pháp để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa trên địa bàn. Đến hết quý I/2024, Đô Lương là một trong những huyện nằm “tốp” đầu có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao nhất cả tỉnh, với 45,46% (tính đến ngày 10/4/2024).
Ở những địa phương điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hơn, nguồn vốn đầu tư công ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trụ sở làm việc… thực sự là động lực mạnh mẽ cổ vũ người dân, cán bộ tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội.
Xã Huồi Tụ (huyện biên giới Kỳ Sơn) là địa phương vùng xa, nhiều khó khăn, theo ông Hạ Bá Lỳ – Phó Chủ tịch UBND xã, những công trình đầu tư công đã góp phần thay đổi diện mạo của địa phương. Tính cả năm 2023 và đầu năm 2024, toàn xã có 14 công trình đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn vốn Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới với tổng vốn hơn 22 tỷ đồng.
Nhờ đó, các công trình như xây dựng, tu sửa Trường Tiểu học Huồi Tụ 1, trụ sở làm việc UBND xã; Nâng cấp cải tạo sân thể thao bản Huồi Đun 500 triệu đồng; Xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng bản Huồi Khe 1,4 tỷ đồng; Cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước nước sinh hoạt bản Phà Bún 500 triệu đồng; Xây trạm hạ thế điện lưới quốc gia tại 6 bản 9,3 tỷ đồng…
Quyết liệt đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công
Với tính chất đi trước mở đường, nguồn vốn đầu tư công là động lực để các địa phương tạo đà phát triển. Vì thế, hàng năm, công tác giải ngân đầu tư công luôn là nhiệm vụ được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Ở Nghệ An, với nhiệm vụ giải ngân phải đạt trên 95% mỗi năm, UBND tỉnh lập Tổ công tác hỗ trợ, giám sát, quy định định kỳ 10 ngày 1 lần yêu cầu các địa phương báo cáo tiến độ giải ngân đầu tư công để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đến hết quý I/2024 và đầu tháng 4/2024, kế hoạch đầu tư công tập trung đã giải ngân 708,362 tỷ đồng, đạt 15,3%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (7,01%). Một số cơ quan, đơn vị đã giải ngân đạt khá như: Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An (100%), Sở Giáo dục và Đào tạo (69,73%), Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành (33,46%)… và các địa phương: Thành phố Vinh (46,28%), Đô Lương (45,46%), Yên Thành (42,51%), Nam Đàn (42,11%), Thanh Chương (40,32%), Nghi Lộc (37,61%), Tân Kỳ (34,63%), Nghĩa Đàn (32,71%),…
Tuy nhiên, một số nguồn vốn giải ngân còn chậm như: Vốn nước ngoài (chưa giải ngân); ngân sách Trung ương – vốn trong nước (mới đạt 8,39%); Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững mới đạt 5,21%; Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển vùng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 8,91%; vốn các năm trước kéo dài mới đạt 5,81%.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm nay đạt trên 95%, tại Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 9/4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để quyết liệt đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các dự án trọng điểm, liên vùng, đường ven biển… Việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công phải gắn với bảo đảm khối lượng, chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.