“Sức khoẻ của anh/chị như thế nào? Có mắc bệnh nền nào không?”, đó là câu hỏi đầu tiên của ông Hoàng Phụng Hiếu – Giám đốc Công ty Vietglobal Travel, mỗi khi tư vấn tour đi xa, dài ngày và mạo hiểm cho du khách.
Tour du lịch đến các thị trường xa đối với Việt Nam, trải nghiệm mạo hiểm có mức chi phí “khủng”. Điển hình, tour thăm thú di cư ở châu Phi có giá từ 300 triệu đồng/khách, tour đi Nam Cực, Bắc Cực dao động từ 400 triệu đồng đến hơn 5 tỷ đồng/người…
Theo các doanh nghiệp lữ hành, sức khỏe, tài chính, thời gian và đam mê là 4 yếu tố khắc họa rõ nét về chân dung khách hàng cho thị trường tour ngách này.
Trong khi đó, đảm an toàn cho du khách là yếu tố hàng đầu khi một công ty tổ chức tour mạo hiểm. Song song với đó, người vận hành tour cũng phải đáp ứng về mặt hành trình tham quan đặc sắc, phục vụ chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ tốt, phù hợp với du khách Việt.
Tiền không phải ưu tiên hàng đầu
Ông Hiếu nhớ rõ vào tháng 12/2022, ông gặp bà Phùng Thục (67 tuổi), người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn. Đến hiện tại, bà là người cao tuổi nhất Việt Nam liên hệ với ông đặt tour đến Nam Cực. Để hoàn thành hành trình này, bà dành thời gian dài rèn luyện cơ thể và có giấy chứng nhận sức khỏe từ bác sĩ.
“Ban đầu, tôi lo lắng rằng bà không thể duy trì sức khỏe để tham gia cùng đoàn. Bà Thục có một chuyến đến Bắc Cực vào trước đó, tôi tự mình quan sát mọi diễn biến của tour này trước khi quyết định dẫn bà đi chuyến tiếp theo. May mắn thay, mọi việc diễn ra suôn sẻ và bà có một trải nghiệm để đời”, ông Hiếu chia sẻ với Tri Thức – Znews.
Theo ông Hiếu, so với tour đi các tuyến nước ngoài truyền thống, tour đi thị trường xa, khám phá mạo hiểm luôn khó khăn hơn, đòi hỏi đơn vị lữ hành phải dành 6-12 tháng để nghiên cứu.
Ví dụ, để chuẩn bị cho tour Nam Cực, đầu tiên công ty cần tìm hiểu các thông tin về thời tiết, địa lý, địa hình, động thực vật, băng giá ở Nam Cực xem có thích hợp với việc tham quan của du khách không. Tiếp theo, ông cùng các thành viên trong công ty nghiên cứu về visa, đường bay, chọn đối tác tàu thám hiểm, chuẩn bị đồ dùng, ăn uống…
Hãng hàng không, khách sạn, chất lượng các bữa ăn phải đảm bảo chất lượng cao. Đồng thời, hướng dẫn viên đi cùng đoàn phải có dày dặn kinh nghiệm ở thị trường. Số lượng khách trong đoàn cũng khác biệt, không quá 20 người.
“Tôi hầu hết tham gia dẫn đoàn trong các tour mạo hiểm, đi dài ngày”, ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hạnh – Tổng giám đốc Công ty Intrepid Vietnam, cho rằng để vận hành tour mạo hiểm, đảm bảo an toàn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trước khi khách đặt tour đến các thị trường xa như Nam Mỹ, Tây Tạng, Bắc Cực… đều được yêu cầu có giấy kiểm tra sức khỏe từ bệnh viện.
Đồng thời, phía doanh nghiệp cũng đưa ra khuyến nghị trước về điều kiện thời tiết và hướng dẫn cách đảm bảo sức khỏe để khách lường trước tình hình như chấp nhận say sóng, di chuyển dài ngày… Mọi thông tin đều được trình bày cụ thể, mạch lạc qua văn bản có cam kết.
“Chúng tôi luôn phải cử người trải nghiệm trước địa điểm để khảo sát, kiểm tra mức độ an toàn. Công ty còn có bộ tiêu chí riêng về đánh giá về mức độ an toàn cho từng tour và sức khỏe khách hàng. Mỗi khách hàng sẽ được 8 người đi theo phục vụ trong tour mạo hiểm, để đảm bảo chắc chắn về sự an toàn. Bác sĩ luôn túc trực để xử lý trường hợp xấu nhanh nhất, không quá 30 phút”, ông Hạnh chia sẻ.
Ông Hạnh lấy ví dụ về tour trekking tại Tây Tạng, Nepal. Trước hành trình, du khách sẽ được làm quen dần ở từng mức độ cao. Mỗi ngày du khách đảm bảo leo núi 2 tiếng với độ cao lên dần 200-400m. Sau đó là các hoạt động tham quan bản làng và giao lưu văn hoá. Thuốc chống say độ cao, trực thăng hỗ trợ, hướng dẫn viên bản địa luôn sẵn sàng để hỗ trợ bất kỳ trường hợp nào.
Say sóng, say độ cao, sốc nhiệt (nhiệt độ tăng cao, hạ thấp đột ngột) là 3 vấn đề phổ biến khi du khách tham gia tour dài ngày. Đó cũng chính là lý do du khách nên đăng ký các tour mạo hiểm qua các công ty uy tín để có kinh nghiệm xử lý tình huống kịp thời.
Ngoài ra, vì tính chất xa xôi, hẻo lánh và nguy hiểm ở điểm đến, phía công ty sẽ mua gói bảo hiểm du lịch cho từng khách hàng
Nhu cầu ngày càng tăng
Quy mô thị trường du lịch mạo hiểm toàn cầu ước tính đạt 288 tỷ USD vào năm 2021. Theo Next Move Strategy Consulting, con số này được dự báo sẽ tăng trưởng đều đặn trong những năm tiếp theo, sẽ đạt đỉnh khoảng 2.824 tỷ USD vào năm 2030.
Trong khi đó, theo khảo sát của Grand View Research, nhóm du khách thuộc độ tuổi 51-60 thống trị thị trường du lịch mạo hiểm vào năm 2021 do có tiềm lực tài chính tốt cùng mong muốn trải nghiệm phong phú.
Tuy nhiên, phân khúc du khách ở độ tuổi 29-40 đang gia tăng rất nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 16,6%. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), hơn 85% du khách trong độ tuổi này lấy cảm hứng du lịch từ mạng xã hội (số liệu năm 2019). Do đó, nhóm khách hàng này được dự đoán sẽ chiếm một phần đáng kể trong ngành du lịch mạo hiểm.
Intrepid Travel mỗi năm phục vụ khoảng 1.000 khách trên toàn thế giới đến Nam Cực, theo ông Nguyễn Hạnh. Dự kiến trong năm nay, số lượng khách tăng 10%.
“Hiện tại, đối tượng khách phần lớn từ thị trường Canada, Mỹ. Khu vực châu Á có Thái Lan, Trung Quốc. Khách tại Việt Nam đăng ký chưa nhiều, nhưng có xu hướng tăng. Trong tương lai, chúng tôi cũng mong muốn khai thác đến người Việt thích trải nghiệm, mạo hiểm”, ông Hạnh nói.
Tương tự, ông Hiếu chia sẻ vào 2019, ông dẫn đoàn khách đầu tiên của Việt Nam đến Nam Cực, số lượng khách chỉ 12 người.
Đến năm 2023, qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, lượng khách Việt đặt chân đến vùng đất xa xôi này đã tăng lên hơn 30 người. Trong năm nay, công ty đã nhận đặt cọc hơn 10 người đăng ký tour đi Nam Cực và dự kiến sẽ tăng thêm.
Ông Hiếu đánh giá nhóm khách hàng khi đăng ký tour trải nghiệm mạo hiểm thường đã đặt chân đến những hành trình du lịch nước ngoài truyền thống như châu Á, châu Âu, không còn thích du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm, mà muốn trải nghiệm, khám phá nhiều hơn. Thị trường của các tour độc lạ là “cánh cửa hẹp”, nhưng đang ngày một rộng mở.
“Tôi vẫn nhớ hình ảnh cặp vợ chồng du khách ngoài 70 tuổi đặt chân đến Nam Cực. Việc chứng kiến tận mắt khiến tôi tin và khẳng định rằng trong tương lai sẽ có nhiều du khách Việt Nam chinh phục mọi vùng đất trên Trái Đất”, ông Hiếu nói.
Còn theo ông Hạnh, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng con người ngày càng trở nên cô đơn trước guồng quay của công việc. Họ mong muốn được giao tiếp và chia sẻ nhiều hơn. Do đó, các sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm, có tính kết nối và gắn kết ngày càng trở nên thu hút.
“Phần đông khách hàng của chúng tôi thích khám phá và mong muốn có chuyến đi để đời, có giá trị hoặc có thêm các mối quan hệ mới cùng tư tưởng. Họ thường không có nhu cầu check-in và cần sự riêng tư, bảo mật thông tin”, ông Hạnh cho biết./.