Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 58,33% với nhiều loại rừng khác nhau, trong đó có diện tích rừng trồng thông nhựa, rừng trồng bạch đàn (là những loài có tinh dầu), rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng hỗn giao gỗ nứa, nứa gỗ, rừng tre nứa chiếm tỷ trọng lớn, thảm thực bì rất dễ bén lửa gây ra chảy vào mùa khô.
Vào mùa Hè thường xảy ra nắng nóng khô hạn kéo dài, kết hợp gió phơn Tây Nam thổi mạnh, độ ẩm không khí xuống thấp, nguy cơ cháy rừng rất cao, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự, hủy hoại môi trường sinh thái và đời sống của người dân.
Để chủ động phòng ngừa thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy trong năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các chủ rừng triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành, thị có trách nhiệm chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, trong đó, quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính sau:
Tổng kết công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2023, xây dựng, triển khai có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng dân cư.
Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Chỉ đạo các chủ rừng, Ủy ban nhân dân các xã rà soát kỹ và xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo đúng phương châm “4 tại chỗ” (Phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Chú trọng các nội dung: Tập huấn nghiệp vụ, huấn luyện diễn tập chữa cháy rừng; phát dọn thực bì, đốt trước vật liệu cháy, làm đường băng cản lửa, lắp đặt các biển cảnh báo cấm lửa, bảng nội quy ra vào rừng…; kiểm tra, phát hiện, xử lý sớm những bất cập, tồn tại trong phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương và các chủ rừng trên địa bàn để có biện pháp khắc phục, bổ cứu kịp thời.
Chủ động tổ chức ký kết hiệp đồng lực lượng và phương tiện với các đơn vị quân đội, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, để thống nhất cơ chế, phương thức huy động, phối hợp lực lượng chữa cháy rừng trong các tình huống cháy rừng lớn xảy ra.
Tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu rừng trọng điểm, quản lý tốt các hoạt động canh tác nương rẫy; đốt xử lý thực bì trồng rừng; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi chặt phá rừng để lấy đất trồng rừng hoặc chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái phép.
Các địa phương có diện tích rừng thông nhựa cần tăng cường quản lý hoạt động khai thác nhựa thông, thực hiện nghiêm quy định hồ sơ khai thác, giám sát quy trình kỹ thuật khai thác, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, khai thác sai quy trình kỹ thuật; nghiêm cấm biện pháp khai thác chích hình xương cá (chích diệt), làm hủy hoại rừng thông sau khai thác.
Thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ website: Kiemlam.org.vn để kiểm tra phát hiện sớm điểm cháy rừng và có biện pháp xử lý kịp thời.
Tăng cường các biện pháp tuần tra rừng, kiểm soát lửa rừng, trong thời gian nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao duy trì quân số và trực 24/24 giờ hàng ngày tại Văn phòng Ban Chỉ đạo PCCCR các cấp, Hạt Kiểm lâm, chủ rừng và tại các chòi canh lửa. Giám sát và quản lý tốt việc mang lửa vào rừng, sử dụng lửa ven rừng và trong rừng; hướng dẫn việc sử dụng lửa an toàn đối với các hoạt động vui chơi, giải trí, thăm viếng của du khách, đốt hương, đốt vàng mã có nguy cơ bén lửa gây cháy rừng.
Trong các tình huống cháy rừng xảy ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện kỹ thuật, hậu cần và trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng kịp thời. Nếu xảy ra cháy lớn, vượt khả năng cứu chữa của địa phương, thì huy động lực lượng của các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn theo hiệp đồng và quy chế phối hợp đã được ký kết, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xin hỗ trợ lực lượng; phân công cắt cử người địa phương sẵn sàng tiếp nhận và hướng dẫn chỉ đường cho các lực lượng được điều động tăng cường hỗ trợ chữa cháy rừng tiếp cận đám cháy nhanh nhất.
Sau khi dập tắt đám cháy phải bố trí lực lượng dập tắt hết tàn lửa, tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân gây cháy rừng, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến cháy rừng và tổng hợp báo cáo nhanh diễn biến tình hình vụ việc cháy rừng về Văn phòng Thường trực (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Hướng dẫn các chủ rừng trên địa bàn có biện pháp phục hồi rừng sau khi cháy theo đúng quy định của pháp luật.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thực hiện tốt chức năng Văn phòng Thường trực – Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo); tham mưu ban hành kịp thời các văn bản đôn đốc, chỉ đạo điều hành, tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn xây dựng, thẩm định, phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Tăng cường kiểm tra đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của các địa phương và chủ rừng; chủ trì phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy tại các khu rừng trọng điểm; phát hiện những tồn tại, yếu kém trong việc tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các địa phương và chủ rừng để chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục, bổ sung kịp thời.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm: Tăng cường lực lượng thường trực canh phòng lửa rừng tại khu rừng trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao để có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Đồng thời, củng cố, kiện toàn Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành, đủ số lượng, nghiệp vụ chữa cháy, rèn luyện thể lực, kỹ năng chữa cháy, đảm bảo phương tiện kỹ thuật, hậu cần thiết yếu, ứng trực 24/24 giờ hàng ngày, sẵn sàng ứng cứu tất cả các tình huống cháy rừng xảy ra; triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng tại chòi canh lửa trên địa bàn tỉnh, theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm và phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để phát bản tin cảnh báo cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.
Hướng dẫn thực hiện các quy định hiện hành về phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo rà soát, tu bổ hệ thống công trình phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tham gia chỉ huy chữa cháy, hướng dẫn kỹ thuật chữa cháy và trực tiếp nắm chắc tình hình diễn biến quá trình tổ chức chữa cháy rừng của địa phương Tổng hợp báo cáo nhanh Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Số điện thoại hotline thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24h: 02383842710
3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, thị xã tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức hiệp đồng lực lượng, phương tiện với các đơn vị quân sự đóng quân trên địa bàn, sẵn sàng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo, điều hành các cơ quan đơn vị thuộc quyền huy động lực lượng, phương tiện phối hợp cùng lực lượng Kiểm lâm và lực lượng tại chỗ thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; báo cáo đề nghị Quân khu 4 tăng cường lực lượng, phương tiện khi mức độ cháy rừng vượt quá khả năng khống chế của lực lượng tại chỗ.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong điều hành huy động lực lượng chữa cháy rừng khi xảy ra cháy lớn.
4. Công an tỉnh
Chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ: Hướng dẫn, phối hợp với cơ quan Kiểm lâm kiểm tra, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên ngành cho lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền địa phương; kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng định kỳ trước mùa nắng nóng đối với các khu rừng có nguy cơ cháy hoặc vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng; phối hợp huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật và tham gia chữa cháy rừng tại các địa phương khi có cháy lớn.
Chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành, thị tăng cường phối hợp chữa cháy rừng. Đối với các vụ cháy rừng xảy ra gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, tổ chức điều tra, đấu tranh phát hiện tội phạm đốt rừng, hủy hoại rừng để kịp thời xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm giáo dục, phòng ngừa và răn đe chung.
5. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chỉ đạo các Đồn Biên phòng trực thuộc đóng quân trên địa bàn chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, hậu cần, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các đơn vị chủ rừng tham gia ứng cứu chữa cháy rừng khi có yêu cầu đề xuất của chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan.
6. Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí đáp ứng đủ để tăng cường công tác tuyên truyền và mua sắm trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng, làm đường băng cản lửa, phát dọn thực bì cho Chi cục Kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
7. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, Cổng thông tin điện tử tỉnh
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện biên tập và phát bản tin cảnh báo dự báo cháy rừng hàng ngày trong chương trình thời sự và các chương trình khác có liên quan phát trên sóng truyền hình NTV, Báo Nghệ An và các trang tin để người dân biết chủ động ứng phó, phòng ngừa.
Yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc.