Những ngày cuối tháng 3/2024, hàng chục gia đình có vườn trồng chuối rừng lấy lá ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương lại cử thành viên nhộn nhịp lên nương, ra vườn thu hoạch lá chuối. Đây là mô hình do tập thể Chi hội Phụ nữ bản đảm nhận nhằm gây quỹ hoạt động chung.
Mô hình trồng chuối lấy lá do Chi hội Phụ nữ bản Lưu Thông thực hiện từ cuối năm 2022. Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Lưu Kiền Vi Thị Chiên cho biết, các chị em ở bản nhận thấy lợi ích kinh tế từ trồng chuối bán lấy lá, tận dụng thân chuối làm thức ăn cho gia súc, gia cầm rất có hiệu quả, nên cuối năm 2022, chị em bản Lưu Thông đã quyết định chuyển đổi một số diện tích vườn trồng rau cải sang trồng chuối.
Ban đầu, chị em tự vào rừng đào cây chuối non về ươm. Chỉ sau hơn 1 năm, trên các mảnh vườn của các hộ hội viên, cây chuối đã xanh tốt, cao quá đầu người và dần cho thu hoạch. Đây là mô hình do tập thể Chi hội Phụ nữ bản đảm nhận nhằm gây quỹ hoạt động chung.
Từ giữa năm 2023, các vườn chuối đã bắt đầu cho thu hoạch đồng loạt, trung bình 3 tháng thu hái một đợt. Ngày 28/3, các hộ gia đình trồng chuối rừng trên vườn rau cải ở Lưu Thông bắt đầu chặt mẻ lá chuối mới nhập cho thương lái. Nguồn giống tự nhiên trong rừng, lại ít công chăm sóc, nên lợi nhuận từ cây chuối rừng đem lại khá cao.
Hiện nay, sau khi cắt lá xếp thành bó, đóng bao bì, lá chuối ở Lưu Thông được thương lái mua tận vườn với giá bán giao động từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, còn những lúc cao điểm của thị trường, giá có thể cao gấp đôi, từ 8.000 – 10.000 đồng/bó, ví như thời điểm cận Tết Nguyên đán. Nhờ nguồn thu đều đặn từ bán lá chuối, mỗi quý, Chi hội Phụ nữ bản Lưu Thông thu hoạch lá 1 lần, mỗi lần được khoảng 1 tấn, tương đương thu nhập 4 – 5 triệu đồng. Nguồn tiền thu được từ bán lá chuối của tổ hợp tác sẽ được sử dụng để giúp các hộ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, từng bước xóa nghèo; thăm hỏi, động viên các hội viên lúc khó khăn, hoạn nạn.
Ở bản Lưu Thông, mô hình trồng chuối rừng bán lấy lá đang từng bước được nhân rộng, ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế từ cây trồng có thể tận dụng từ gốc đến ngọn này. Bản Lưu Thông có 54 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Với đặc trưng địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao nên lâu nay gặp khó khăn về canh tác các loại cây trồng, song lại rất thích hợp với cây chuối rừng. Từ năm 2016, người đầu tiên đưa cây chuối rừng về trồng theo hướng hàng hoá ở Lưu Thông là anh Vừ Nỏ Lừ.
Ban đầu anh Lừ trồng hơn 1 sào chuối rừng với mục đích phục vụ chăn nuôi gà, lợn, bò. Sau đó được thương lái hỏi thu mua lá chuối, thấy giá bán lá chuối đem lại nguồn thu cao nên anh đầu tư mở rộng thành 1ha chuối. Anh Lừ thu hoạch lá theo từng quý, khoảng 4 lần/năm,trung bình mỗi lần thu hoạch khoảng 1 tấn lá, mang lại nguồn thu khoảng 20 triệu đồng/năm.
Ở xã Lưu Kiền, không chỉ ở bản Lưu Thông mà nhiều bản khác, người dân cũng phát triển mô hình trồng chuối lấy lá cho thu nhập khá cao, ví như hộ ông Lộc Văn Thìn, hộ bà Vi Thị Mai… Năm 2017, bà Mai trồng khoảng 1ha chuối rừng, đến nay hộ của bà đã nhân rộng vườn chuối thành 3,5ha. Đều đặn thu hoạch lá chuối quay vòng từng tháng theo từng vùng mang lại cho hộ bà Mai thu nhập trung bình 10 triệu đồng/tháng từ bán lá chuối.
Hiện, toàn xã Lưu Kiền có 94 hộ trồng chuối lấy lá với diện tích hơn 24 ha, trong đó bản Lưu Thông có 62 hộ trồng chuối trong vườn, đồng thời còn nhận khoanh nuôi bảo vệ diện tích chuối mọc dưới tán rừng tự nhiên, giúp người dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định, giúp các chi hội, đoàn thể có thêm kinh phí phục vụ các hoạt động xây dựng phong trào chung của cộng đồng, làm đường giao thông nông thôn và giúp đỡ các hoàn cảnh gặp khó khăn trong cuộc sống.