Chiều 22/3, tại huyện Kỳ Sơn, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh phối hợp Sở Du lịch tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07 ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; giải pháp phát triển du lịch miền Tây Nghệ An theo Chỉ thị số 08, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
Các đồng chí: Chu Đức Thái – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh; Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở Du lịch chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia; bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã khu vực miền Tây Nghệ An; một số chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Nhiều tiềm năng, thế mạnh
Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, được Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Nghị quyết số 08, ngày 16/01/2017. Ngày 23/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08, về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
Đối với Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, mục tiêu phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Nghệ An xác định phát triển du lịch đa dạng các loại hình gắn với từng vùng, gồm: du lịch biển; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng homestay.
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận đã tập trung đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07, ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; đồng thời, đề xuất giải pháp phát triển du lịch miền Tây Nghệ An theo Chỉ thị số 08, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
Các ý kiến khẳng định nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển của du lịch miền Tây Nghệ An. Nơi đây có Khu Dự trữ sinh quyển lớn nhất trên cạn của Việt Nam, có địa hình đa dạng, có nhiều đỉnh núi cao (đỉnh cao nhất là Puxailaileng, cao 2.720m ở huyện Kỳ Sơn); hệ thống sông, suối dày đặc với nhiều thác ghềnh; có nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau tạo nên sự đa dạng về cảnh vật thiên nhiên, có nhiều hang động đẹp, tạo sức thu hút đối với khách du lịch.
Cơ hội phát triển du lịch
Vùng miền Tây Nghệ An hiện còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm văn hóa vùng, miền đặc sắc để phát triển du lịch bền vững.
Bên cạnh tiềm năng, nơi đây cũng đang có nhiều cơ hội phát triển du lịch. Nghị quyết số 39, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Phát triển nhanh và bền vững vùng phía Tây Nghệ An trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, kinh tế cửa khẩu, tài nguyên lịch sử, văn hóa”.
Trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định không gian phát triển khu vực miền Tây Nghệ An là du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Liên quan chính sách phát triển du lịch miền Tây Nghệ An, ngày 22/7/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07 về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025.
Gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp
Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, số lượng đối tượng thụ hưởng còn ít, mới chỉ có 36 gia đình, 12 bản, 12 xã của 9 huyện được thụ hưởng, với tổng kinh phí 6,12 tỷ đồng. Việc khai thác, phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Trên cơ sở đánh giá các tiềm năng, lợi thế, cùng các hạn chế, khó khăn, vướng mắc để phát triển du lịch miền Tây Nghệ An, nhiều ý kiến tại hội nghị đã gợi mở, đề xuất một số giải pháp để đưa du lịch phát triển toàn diện, nhanh và bền vững theo tinh thần Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, điều quan trọng nhất là phải dựa vào cộng đồng trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa của cộng đồng; cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Dân phải muốn làm du lịch và phải tạo thành cộng đồng chung, vai trò Nhà nước chỉ giúp người dân trong “câu chuyện” này, tránh Nhà nước thiết kế mô hình du lịch rồi bàn giao cho người dân thực hiện.
Mặt khác, cần chú trọng việc kết nối, phối hợp giữa các sở, ngành liên quan nhằm đa dạng sản phẩm du lịch; tăng cường kết nối giữa các điểm du lịch cộng đồng thông qua vai trò của đơn vị làm du lịch kết nối và đơn vị lữ hành; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Liên quan đến cơ chế, chính sách, đáng quan tâm nhất là thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; đầu tư bảo tồn, phát huy tiềm năng văn hóa, di sản gắn với phát triển du lịch mang tính dài hạn, bền vững; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, đồng thời, nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách mới đủ mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch.
Xây dựng chính sách cần tập trung hoàn thiện quy hoạch du lịch
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Nghệ An trong triển khai các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về phát triển du lịch thông qua ban hành chiến lược, chương trình, kế hoạch gắn với ban hành chính sách khuyến khích phát triển du lịch.
Để du lịch Nghệ An nói chung và miền Tây Nghệ An nói riêng phát triển, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho rằng: Nghệ An cần tranh thủ các nguồn lực, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là quan tâm kết nối hạ tầng giao thông đến các bản làng; gắn với đầu tư hạ tầng đồng bộ, như y tế, viễn thông, nước sinh hoạt, cảnh quan môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa…
Du lịch Nghệ An cần khai thác các loại hình: du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, chăm sóc sức khoẻ; giáo dục môi trường; thể thao, mạo hiểm; du lịch xanh, sinh thái; chú trọng liên kết du lịch giữa các vùng trong tỉnh. Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khai thác các đặc trưng văn hóa, di sản để xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, đặc sắc, tạo sự hấp dẫn riêng.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch cộng đồng; đầu tư xúc tiến quảng bá trên các nền tảng số; chú trọng công tác quản lý điểm đến.
Liên quan đến xây dựng nghị quyết mới của HĐND tỉnh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia định hướng, cần tập trung hoàn thiện quy hoạch, định hướng phát triển các loại hình du lịch cộng đồng của Nghệ An nói riêng và miền Tây nói riêng để tập trung đầu tư trọng điểm, tránh dàn trải.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương để du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển toàn toàn diện, nhanh và bền vững theo tinh thần Chỉ thị số 08, ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, HĐND tỉnh sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành du lịch từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, tham mưu nghị quyết mới theo tinh thần Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần chú trọng việc quy hoạch để đáp ứng yêu cầu “một cung đường, nhiều điểm đến”, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, nét đặc trưng của cảnh sắc thiên nhiên, bản sắc văn hoá các vùng miền. Cùng với đó, chú trọng công tác nâng cao chất lượng tập huấn kiến thức nghiệp vụ cho lực lượng làm du lịch cộng đồng; phát huy ứng dụng chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá,…
Ngoài ra, cần quan tâm nâng cao hiệu quả việc phối hợp giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp và hộ kinh doanh du lịch cộng đồng. Đề xuất các chính sách phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm cho phát triển du lịch miền Tây nói riêng, du lịch Nghệ An nói chung.