Cẩn trọng với “con dao hai lưỡi”
Vừa qua, dư luận xôn xao về việc một khách hàng có dư nợ thẻ tín dụng chỉ hơn 8,5 triệu đồng nhưng sau 11 năm không trả số tiền đã chi tiêu nên số tiền nợ đã lên 8,8 tỷ đồng.
Câu chuyện lan truyền trên mạng những ngày qua cũng khiến nhiều người giật mình. Nhiều người vì nể nhân viên ngân hàng, vì mở “cho có” nên đã đồng ý mở thẻ tín dụng. Tuy nhiên, không ít người đã phải hủy thẻ tín dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Hiện khách hàng có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán hầu hết các mặt hàng từ sản phẩm hữu hình đến dịch vụ như hóa đơn điện nước, internet, tiền nhà, mua điện thoại, máy tính, ô tô hoặc các chi tiêu mua sắm đơn giản thường ngày… Với tính năng “chi tiêu trước trả tiền sau”, thẻ tín dụng là lựa chọn hợp lý cho khách hàng để phân phối nguồn tiền tốt hơn và có thêm một khoản ngân sách dự phòng trong những trường hợp khẩn cấp.
Khác với tiền mặt chỉ có thể chi tiêu trực tiếp, thẻ tín dụng cho phép khách hàng thanh toán với đa dạng hình thức hơn như: Thanh toán bằng quẹt thẻ qua máy POS tại các cửa hàng, thanh toán online trên các ứng dụng, trang web mua sắm hoặc liên kết trung gian thông qua ví điện tử.
Khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán quốc tế, ngân hàng sẽ tự động chuyển đổi ngoại tệ tương ứng với đơn vị tiền mà khách hàng đang dùng với phí chuyển đổi chỉ từ 1 – 4%… Tóm lại, thẻ tín dụng là một công cụ thanh toán tiện ích và thông minh trên phạm vi toàn cầu. Chủ thẻ chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể giao dịch, thanh toán tại cơ sở dịch vụ bằng mức phí ưu đãi với nhiều chương trình giảm giá.
Tuy vậy, không phải khách hàng nào cũng đủ tiêu chuẩn để ngân hàng cho phép cấp mở thẻ tín dụng. Chẳng hạn, đối với Ngân hàng quốc tế VIB, điều kiện mở thẻ tín dụng là khách hàng không có nợ xấu trong vòng 2 năm gần nhất trở lại và có uy tín điểm tín dụng cá nhân. Đây là căn cứ để xác định độ tín nhiệm của khách hàng, là điều kiện để ngân hàng xem xét về việc cấp thẻ và hạn mức tín dụng.
Một nhân viên Ngân hàng VIB chi nhánh Nghệ An cho hay, chủ thẻ tín dụng được ngân hàng cho mượn tiêu dùng 45-55 ngày không phải trả lãi, không trả phí (tuỳ ngân hàng). Tuy nhiên, sau thời gian đó, khách hàng phải trả lãi với lãi suất nhìn chung cao hơn khá nhiều so với mặt bằng, mức lãi tuỳ thuộc nhóm loại khách hàng. Để tránh nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…
Chính bởi bản chất của thẻ tín dụng chính là cho vay tiêu dùng với mức lãi suất và phí khá cao, nên hãy thận trọng khi sử dụng; nếu có nhu cầu, hiểu về nó thì mới sử dụng hiệu quả và nên dùng. Còn không, thẻ tín dụng là “con dao hai lưỡi”.
Chị Nguyễn Thị H., kinh doanh tự do trên địa bàn thành phố Vinh cho biết: Đặc thù phải đi nhiều nơi, thậm chí là ra nước ngoài để gom hàng nên tôi mở thẻ tín dụng từ lâu. Tuy nhiên, trước vụ việc trên tôi đã phải kiểm tra lại hoạt động chi tiêu của mình để xem có thẻ nào dính nợ xấu không.
Những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều phát hành thẻ tín dụng. Bên cạnh sự tiện lợi, thẻ tín dụng cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro nếu người dùng không biết cách bảo quản, sử dụng.
Riêng trên địa bàn Nghệ An, đến thời điểm 30/11/2023, tổng số thẻ tín dụng được phát hành và đang hoạt động là 525.513 thẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An khuyến cáo những lưu ý khi sử dụng thẻ tín dụng: Ngày càng có nhiều ngân hàng thực hiện phát hành thẻ tín dụng ra thị trường, vì vậy, khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, với người tiêu dùng thông minh, lựa chọn của họ thường ưu tiên các ngân hàng lớn và uy tín.
Với uy tín thương hiệu, lịch sử hoạt động ổn định, mạng lưới hệ thống rộng, sản phẩm dịch vụ đa dạng, các ngân hàng chất lượng tốt sẽ mang đến cho bạn sự an tâm khi “chọn mặt gửi vàng” đồng thời mang lại những quyền lợi và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất. Bên cạnh đó, ở mỗi ngân hàng có một quy định riêng về lãi suất thẻ tín dụng. Bởi vậy, khi quyết định đăng ký mở thẻ, nên chọn ngân hàng hoặc chọn dòng thẻ có lãi suất quá hạn thấp nhất.
Một nhận thức rất đúng đắn rằng, thẻ tín dụng cũng chính là tiền. Vì vậy, bằng mọi giá không được để lộ thông tin cá nhân, thông tin in trên thẻ như số thẻ tín dụng, thời hạn thẻ, số CVV (mã bảo mật). Tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ; không đưa thẻ, trao thẻ cho người khác kể cả nhân viên ngân hàng sử dụng để tránh nguy cơ lộ các thông tin bảo mật.
Khách hàng cũng có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng như các thẻ ATM thông thường, tuy nhiên, mức phí sẽ cao hơn và tính lãi suất cao ngay khi rút tiền ra khỏi cây. Khi giao dịch tại ATM, cần quan sát kỹ khu vực đặt máy, khe đọc thẻ, khu vực bàn phím trước khi giao dịch.
“Khách hàng cần ghi nhớ ngày đến hạn thanh toán. Tất cả mọi người đều có thể quên ngày thanh toán. Trong ngắn hạn thì mức phạt không đáng lo, nhưng với dài hạn thì đó là một vấn đề lớn thậm chí có thể đưa bạn vào vòng luẩn quẩn của nợ nần. Vì vậy, hãy cố gắng ghi nhớ ngày đến hạn của thẻ tín dụng để đảm bảo thanh toán đúng hạn”- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An lưu ý.
Theo Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung): Thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.