Trong 6 tháng đầu năm nay, Thường trực HĐND tỉnh sẽ vào cuộc giám sát việc thực hiện các tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, hiện nay việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An bộc lộ không ít khó khăn, bất cập như: Đảm bảo các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn; việc triển khai thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương; hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn; xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng đời sống văn hoá,…
Tháng 10/2016, Thường trực HĐND tỉnh khóa XVII đã tiến hành giám sát chuyên đề này. Đến nay, sau 8 năm trước những yếu tố mới xuất hiện, Thường trực HĐND tỉnh khóa XVIII tiếp tục lựa chọn nội dung này để giám sát, được đánh giá là cần thiết nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bất cập từ thực tiễn, nhằm tháo gỡ để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này.
Hiện nay, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đang giao Ban Kinh tế – Ngân sách chuẩn bị, tham mưu các nội dung liên quan như: Kế hoạch, đề cương giám sát để trình Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến tại Phiên họp thường kỳ tháng 4 tới đây, sau đó tiến hành giám sát.
Còn trong 6 tháng cuối năm 2024, theo kế hoạch Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiến hành giám sát công tác quản lý, đấu tranh với hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hiện Ban Pháp chế đang được HĐND tỉnh giao tham mưu, chuẩn bị các nội dung liên quan trình tại Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến vào phiên họp thường kỳ tháng 9/2024 để tiến hành giám sát.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao là loại tội phạm mới, đang có xu hướng phát triển, diễn biến hết sức phức tạp, đa dạng và khó lường cả trên thế giới và ở Việt Nam.
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao diễn ra trên phạm vi cả nước, với nhiều hình thức ngày càng tinh vi hơn, số lượng vụ bị lừa đảo ngày càng tăng cao, gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản và khiến người dân bức xúc, lo lắng.
Tội phạm công nghệ cao là loại tội phạm “phi truyền thống”, địa bàn hoạt động rộng, không phân biệt biên giới, lãnh thổ với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo đánh giá của cơ quan Công an, đấu tranh với tội phạm truyền thống đã khó; đấu tranh với tội phạm “phi truyền thống”, tội phạm lợi dụng công nghệ cao còn khó khăn gấp nhiều lần, vì các đối tượng phạm tội loại này thường có kiến thức công nghệ thông tin, thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động để thực hiện hành vi phạm tội.
Tại Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2023, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt, xử lý hàng chục vụ, hàng trăm đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội.
Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan bắt 50 đối tượng là người Việt Nam cư trú tại nước ngoài sử dụng công nghệ cao, giả danh cán bộ tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam ở nhiều địa phương trên cả nước, với số tiền hơn 500 tỷ đồng, do 2 đối tượng Phan Văn Phương (SN 1991), trú tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành và Tăng Quảng Vinh (SN 1989), trú tại phường 11, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh cầm đầu.
Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, ngày 19/5/2021, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về tăng cường các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.