Dự lễ bế mạc có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Lưu Quang – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố và đại diện các cơ quan báo chí trên cả nước.
Cuộc hội tụ văn hóa tinh thần đặc sắc của những người làm báo cả nước
Hội Báo toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại phía Nam đất nước, với quy mô, tầm vóc lớn nhất từ trước tới nay. Hội Báo toàn quốc đã thu hút 120 gian trưng bày các ấn phẩm báo chí tiêu biểu, với sự góp mặt của 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, hơn 300 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo báo chí lớn nhất. Hàng trăm cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan đào tạo, quản lý báo chí đã tập trung về đây, trưng bày và giới thiệu hình ảnh cùng các sản phẩm báo chí đặc sắc, tiêu biểu, các thiết bị công nghệ tiên tiến, kỹ thuật làm báo hiện đại, các nội dung đào tạo, bồi dưỡng báo chí phong phú. Đây thực sự là cuộc hội tụ văn hóa tinh thần đặc sắc của những người làm báo cả nước.
Đây cũng là lần đầu tiên có sự góp mặt của 64 gian hàng sản phẩm OCOP đến từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng những bản sắc riêng của từng địa phương đã đem đến thêm sự phong phú, sinh động cho Hội Báo toàn quốc 2024. Điều này cho thấy sức hút và vai trò của báo chí truyền thông trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Đến Hội Báo toàn quốc năm 2024, công chúng và các nhà báo – hội viên được tham gia nhiều sự kiện, hoạt động nghiệp vụ có chất lượng cao như: Diễn đàn báo chí toàn quốc lần đầu tiên với 12 phiên họp, 10 phiên thảo luận, với hơn 60 diễn giả là các nhà báo dày dạn kinh nghiệm trong nước và các chuyên gia truyền thông quốc tế uy tín.
Các diễn đàn tập trung vào các chủ đề nóng, có tính cấp bách mà lý luận và thực tiễn báo chí Việt Nam cần nhận diện và tìm giải pháp, như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; Năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại A.I; Phát thanh năng động trong môi trường số; Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo…
Tất cả các hoạt động ý nghĩa trên được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh; được tiếp sóng trên hàng chục đài phát thanh – truyền hình các tỉnh, thành phố, và được đưa tin, viết bài lan tỏa bởi hàng trăm cơ quan báo chí của các ban, bộ, ngành, đoàn thể.
Trong 3 ngày vừa qua, đã có hàng ngàn nhà báo, nhiều ngàn lượt công chúng báo chí đến Hội Báo toàn quốc năm 2024 để xem và thưởng thức những ấn phẩm báo chí đặc sắc; khán giả, bạn đọc, bạn nghe đài đã tham gia nhiều phiên tại Diễn đàn báo chí toàn quốc; thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi động, hấp dẫn.
Khách tham quan Hội báo thích thú với bức tranh tổng quan về báo chí Việt Nam đương đại theo hướng chuyên nghiệp – nhân văn – hiện đại, đặc biệt là gian trưng bày chuyên đề “Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925-2024: 99 chuyện nghề” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam thực hiện, với câu chuyện lịch đại 99 năm báo chí cách mạng Việt Nam kể về sự cống hiến và hy sinh, lao động và sáng tạo của các thế hệ người làm báo – chiến sĩ. Đó là bài học giáo dục truyền thống sâu sắc, tác động vào lý trí và trái tim các nhà báo – hội viên và khách tham quan, là minh chứng thuyết phục cho những thành tựu của nền báo chí chuyển mình mạnh mẽ, tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Phát biểu tại lễ bế mạc, đồng chí Nguyễn Đức Lợi – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, những sáng kiến và đổi mới của Hội Báo toàn quốc năm nay đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong báo giới, thu hút sự tham gia, tương tác mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.
Thành công của Hội Báo toàn quốc thể hiện rõ kết quả của tinh thần đoàn kết giữa các cơ quan báo chí, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; giữa các cấp Hội Nhà báo; giữa báo chí – doanh nghiệp – công chúng; cùng nhau chung sức, đồng lòng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong báo chí, cùng nhau nắm thời cơ, cùng gắng sức cộng tác để vượt qua khó khăn thách thức, hướng tới một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, nhằm phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại
Phát biểu tại lễ bế mạc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, đánh giá cao những thành công của Hội Báo toàn quốc năm 2024. Hội báo đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người, là điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Thông điệp “Báo chí Việt Nam – Tiên phong, Đổi mới vì Sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” được thể hiện rõ nét qua các sự kiện, triển lãm, diễn đàn,… góp phần mở ra tri thức mới, vừa nâng cao đoàn kết giữa các cơ quan báo chí và các hội nhà báo, tăng cường gắn bó giữa báo chí và công chúng.
Lần đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn báo chí với quy mô toàn quốc, thảo luận về các chủ đề báo chí, truyền thông sôi động và thiết thực cho người làm báo trên cả nước. Những kiến nghị, đề xuất tại diễn đàn là cơ sở quan trọng để cơ quan lãnh đạo cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp thu, bổ sung, trình cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách đối với báo chí. Đồng thời, đây cũng là kinh nghiệm quý báu để các cơ quan báo chí học hỏi, tìm giải pháp, hướng đi của mình.
Phát huy tốt những thành quả đạt được trong thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền tốt việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; bám sát hơi thở cuộc sống, để góp ý, phản ánh, kiến tạo, lan toả những giá trị tốt đẹp và nhân ái trong xã hội; đưa chủ trương pháp luật vào cuộc sống, đáp ứng mong đợi của mọi người dân.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư các chương trình, tin, bài,… chất lượng cao; quan tâm công tác xây dựng Đảng, không ngừng bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng cho người làm báo.
Các cơ quan báo chí cần quyết tâm hơn nữa để xây dựng mỗi cơ quan báo chí là một cơ quan tiêu chuẩn về văn hóa. Người đứng đầu cơ quan báo chí phải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phạm vi, quyền hạn, nhất là thực hiện các quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt thực hiện tốt hơn nữa về tôn chỉ, mục đích. Có giải pháp quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên hoạt động tác nghiệp đúng quy định. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên đảm bảo đúng quy định của Luật Báo chí và các văn bản pháp luật Việt Nam.
Đối với hội nhà báo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý, cần đẩy mạnh thi đua xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa người làm báo; xử lý vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tăng cường theo dõi, giám sát, kiểm tra kết luận và xử lý vi phạm về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cấp hội tiếp tục đổi mới, tăng cường tổ chức hội thảo, bồi dưỡng đào tạo kỹ năng làm báo hiện đại, phương thức tác nghiệp báo chí trong môi trường số.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cũng lưu ý với người làm báo, cần nhận thức hơn nữa vai trò vị trí, chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh cao cả của mình trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ, rèn đức luyện tài để “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân.