Tuổi thơ với dân ca
Thiên Huế sinh ra ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Văn (huyện Thanh Chương). Cô còn nhớ như in lần đầu tiên trốn cha đi xem kịch hát dân ca vào buổi đầu đông rét mướt ở những năm 90 của thế kỷ trước.
Cô bé Thiên Huế, lúc đó gầy gò, ốm yếu, chỉ đứng bên hàng rào hợp tác xã nhìn vào, nhưng niềm yêu thích và sự ngưỡng mộ những người nghệ sĩ trên sân khấu đã chiếm trọn trái tim và tâm trí của cô. Huế bảo, không dưng mà cô có tình yêu lớn với dân ca từ tấm bé: “Ở quê tôi, cả làng hát dân ca, ai cũng biết hát, biết ứng tác dân ca vào lao động sản xuất và đời sống hàng ngày”.
Từ đó, niềm khao khát được hát cứ lớn dần. Lúc Thiên Huế học cấp 2, đoàn dân ca của tỉnh về tuyển diễn viên, cô trốn cha mẹ đi dự tuyển nhưng không thành. Cha Thiên Huế biết chuyện, kiên quyết không cho con gái theo nghề hát, cô đành ngậm ngùi vâng lời, dù trong lòng buồn bã.
Từ đó, Thiên Huế chuyên chú học tập để sau này trở thành một giáo viên, hoặc một cô văn thư như mong muốn của cha; nhưng tình yêu và niềm khát khao với giai điệu dân ca thì vẫn âm ỉ cháy. Ngày đi học, đêm về vừa học bài, cô vừa tập hát. Những giai điệu đẹp, những trình thức dân ca được Thiên Huế sưu tầm trên sóng phát thanh – truyền hình và học theo các cô bác trong thôn, xóm. Tốt nghiệp THPT, Thiên Huế một lần nữa xin cha mẹ được làm theo ý nguyện của mình: đó là thi vào Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật tỉnh. Cha cô, dù nhiều năm cấm cản, vẫn âm thầm theo dõi, biết cô con gái yêu không thể dứt được niềm đam mê này nên đã gật đầu đồng ý.
Thiên Huế theo học khoa Âm nhạc truyền thống tại Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật tỉnh. Cô được đánh giá là có năng khiếu hát dân ca, cảm thụ tinh tế và sâu sắc những làn điệu truyền thống.
“Có một điều mãi sau này tôi mới lý giải được vì sao tình yêu với sân khấu chuyên nghiệp lớn đến như vậy, dù đã có lúc tôi mệt mỏi vì những khó khăn trong nghề. Ấy là khi tôi còn học ở trường, tìm đến Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh) theo lời mời của ban lãnh đạo, vừa bước vào đã nghe tiếng sáo lảnh lót, tiếng đàn bầu cất lên điệu tứ hoa thiết tha, dìu dặt, tự dưng trái tim tôi như cất lên tiếng hát, thấy mình đã thuộc về nơi này” – Thiên Huế kể.
Ngay từ lúc còn học ở trường, Thiên Huế đã được Trung tâm mời diễn chung nhiều vở kịch hát, tuy chỉ được vào những vai phụ nhưng đó là bước đệm quý giá để cô có được những kinh nghiệm và đúc rút cho mình nhiều bài học lớn. Năm 2005, Thiên Huế chính thức trở thành nghệ sĩ của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Những vai diễn để đời
Được Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh tiếp nhận vào năm 2005, nhưng đến năm 2010 Thiên Huế mới được vào vai kép chính. Tưởng con đường sẽ trải đầy hoa hồng với cô từ đây, nhưng cô vẫn phải nỗ lực không ngừng, “đổ mồ hôi sôi nước mắt” trên sân khấu. Để vào được vai đã khó, để chạm vào cảm xúc của khán giả, có được những tràng pháo tay tán thưởng còn khó hơn nhiều.
Thiên Huế còn nhớ mãi khi vào vai Hương Ly ở vở “Đường đua trong bóng tối” đoạt Huy chương Vàng toàn quốc Hội diễn Nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016 và vai Linh trong “Một cây làm chẳng nên non” (Huy chương Bạc năm 2010), cô đã phải nghiên cứu các mẫu nhân vật này cả trong văn học lẫn ngoài cuộc sống, trăn trở cách điệu vai sao cho chân thật, sống động. Từ cách nhả chữ, đài từ đến những câu thoại bằng các trổ dân ca cũng được cô đặt hết tâm trí và tình cảm để nắn nót, chỉnh sửa.
Đánh giá về vai Hương Ly trong “Đường đua trong bóng tối”, NSND An Ninh – người chuyển thể kịch bản của vở diễn cho biết: “Vai diễn này với Thiên Huế như đo ni đóng giày. Cô diễn mà không cần phải cố gắng nhập vai. Vì thế, vai diễn được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả lẫn hội đồng nghệ thuật và tấm Huy chương Vàng vô cùng xứng đáng”.
Đến vai diễn Lê Quốc phu nhân trong vở “Cương Quốc công Nguyễn Xí” (Huy chương Vàng năm 2019) lại là một mẫu nhân vật khác khiến Thiên Huế rất lo lắng. Phải diễn làm sao cho ra một nhân vật ngoài chính sử, nhưng đồng thời phải mang được hồn cốt đời sống của nhân vật lên sân khấu quả là điều không dễ dàng với một mẫu diễn viên luôn vào vai bi thương, có đời sống nội tâm phức tạp như cô. Thế là, Thiên Huế ngày đêm tìm kiếm các tư liệu về nhân vật Cương Quốc công Nguyễn Xí để nghiên cứu, tìm ra những nét đời thường. Cùng với đó là sự hướng dẫn của đạo diễn và tác giả chuyển thể NSND An Ninh, Huế đã nhập vai một cách xuất thần, được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao.
Nói về các vai diễn và hành trình dưới ánh đèn sân khấu, Thiên Huế cho rằng chỉ có lao động và lao động không ngừng mới có được thành quả như ý. “Nhiều người nói tôi có duyên và có chút phẩm chất thiên phú, nhưng nếu bản thân không chịu quan sát học hỏi thì không thể hát chuẩn chỉnh, thổi hồn vào ca khúc và không thể hoá thân vào các vai diễn” – Thiên Huế nói.
Cô cũng thầm cảm ơn những khó khăn từ thuở bé, biết ơn cha bởi ông là người đầu tiên dạy cô về tinh thần vượt khó. “Không có con đường nào bằng phẳng, nhất là con đường nghệ thuật. Đi đến cùng trên con đường ấy không chỉ cần những nỗ lực của người nghệ sĩ mà còn cần trọn vẹn chữ duyên với nghề” – Huế tâm sự.
Với Thiên Huế, lời dặn dò năm nào của cha trước lúc lên đường xuống tỉnh học nghệ thuật luôn in đậm trong tâm trí: “Diễn viên là một nghề rất khó, lại nhiều cạm bẫy và những tị hiềm, con hãy cố gắng tìm cách thích ứng và vượt qua”.
Dù cha không khuyến khích cô theo con đường này, nhưng những yêu thương và dõi theo lặng thầm của ông khiến Thiên Huế luôn có động lực và mục tiêu mới trong chặng hành trình của mình. Và danh hiệu NSƯT mà Thiên Huế được Nhà nước trao tặng vào cuối năm 2023 chính là một nấc thang thành công mới, là minh chứng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của người nghệ sĩ cháy hết lòng với giai điệu quê hương.