Dự và chỉ đạo hội nghị có bà Bùi Thị Thu Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và ông Trần Quốc Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cùng dự có đại diện lãnh đạo ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh Bắc Trung Bộ; đại diện Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Nghệ An và các công ty đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN trên địa bàn Nghệ An.
Đồng chí Lê Tiến Trị – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An và đồng chí Phạm Ngọc Minh – Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Trị đồng chủ trì hội nghị.
Khởi sắc về xúc tiến, thu hút đầu tư
Triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh năm 2023 có nhiều khó khăn, nhưng trên cơ sở bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, ban quản lý khu kinh tế và khu công nghiệp 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đã có nhiều nỗ lực cố gắng, triển khai hiệu quả các phong trào thi đua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra.
Cùng với triển khai các nhiệm vụ tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, ban quản lý khu kinh tế và khu công nghiệp các tỉnh đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xúc tiến, thu hút đầu tư. Tại Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An, trong năm 2023 đã cấp mới cho 27 dự án, trong đó, 18 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 35.069,7 tỷ đồng; điều chỉnh 55 lượt dự án, với số vốn tăng thêm 6.462 tỷ đồng; Khu kinh tế và KCN tỉnh Quảng Trị cấp mới 5 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 1.409 tỷ đồng, lũy kế đến nay có 183 dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực là 167.373 tỷ đồng; KKT Nghi Sơn và KCN tỉnh Thanh Hóa cấp mới 20 dự án, gồm 14 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký là 10.144 tỷ đồng và 6 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký là 49 triệu USD, điều chỉnh 47 dự án; lũy kế đến nay là 724 dự án, trong đó, 649 dự án đầu tư nước ngoài…
Năm 2023, các KKT và KCN tỉnh Hà Tĩnh cấp mới 5 dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư 15 dự án; lũy kế đến nay có 193 dự án đầu tư còn hiệu lực. Các KKT và KCN tỉnh Quảng Bình cũng cấp mới 5 dự án, điều chỉnh 18 dự án với tổng số vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 675 tỷ đồng; các KKT, KCN tỉnh Thừa Thiên Huế cấp mới cho 11 dự án, điều chỉnh 5 lượt dự án, với tổng vốn thu hút đầu tư là 5.927 tỷ đồng.
Song song với làm tốt nhiệm vụ xúc tiến, thu hút đầu tư, ban quản lý KKT và KCN các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch. Điển hình là một số tỉnh đã hoàn thành xây dựng hoặc đang triển khai công tác lập nhiệm vụ, điều chỉnh quy hoạch và phương án phát triển KKT, các KCN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp vào quy hoạch chung của từng tỉnh; quan tâm đến công tác quản lý tài nguyên, môi trường trong các KKT và KCN; tiếp tục thu hút nguồn lực để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN theo quy hoạch…
Bên cạnh ưu điểm và kết quả nổi bật trên, thông qua các phát biểu tham luận, đại diện ban quản lý KKT và KCN các tỉnh cũng nêu lên một số hạn chế, khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư hạ tầng KCN; vướng mắc trong điều chỉnh, thông qua quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch và Luật Bảo vệ môi trường mới; nguyên nhân khiến công tác thu hồi đất để giải phóng mặt bằng đầu tư hạ tầng các KCN; công tác quản lý đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường còn một số khó khăn…
Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Tại hội nghị, trên tinh thần trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, ban quản lý KKT và KCN các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có các phát biểu tham luận góp ý, thống nhất nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua năm 2024. Trọng tâm là tăng cường công tác xúc tiến đầu tư; tập trung phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trong các KKT, KCN, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng; tiếp tục nghiên cứu triển khai hiệu quả Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN, khu kinh tế…
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá phong trào thi đua năm 2023 và quán triệt mục đích, yêu cầu công tác thi đua năm 2024, ban quản lý KKT các tỉnh đã ký kết giao ước thi đua theo các nội dung trọng tâm sau: Đối với công tác quản lý Nhà nước, quản lý dự án, từng ban quản lý phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phát triển các KCN, KKT; tiếp tục huy động nguồn lực để hoàn thiện xây dựng hạ tầng các KCN, KKT.
Các khu công nghiệp và khu kinh tế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư triển khai đúng tiến độ; xây dựng đơn vị vững mạnh, nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt văn minh công sở, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không gây phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ; công tác Đảng, đoàn thể quần chúng không ngừng được củng cố, phối hợp chặt chẽ để đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; hoạt động văn hóa, thể thao, công tác từ thiện và hoạt động xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn lao động, trật tự tại công sở.
Dự chỉ đạo hội nghị, đại diện Vụ Quản lý khu kinh tế và Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát biểu ghi nhận các ý kiến đề xuất của ban quản lý KKT và KCN các tỉnh.
Trên cơ sở chia sẻ thông tin chung về yêu cầu quản lý Nhà nước giai đoạn mới liên quan đến một số luật mới được ban hành và tình hình chung nền kinh tế, đầu tư công, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi ý một số định hướng, nhiệm vụ mới và nội dung thi đua năm 2024 của ngành và khối thi đua ban quản lý các khu kinh tế để ban quản lý khu kinh tế và khu công nghiệp các tỉnh Bắc Trung Bộ chủ động triển khai sớm, góp phần vào kết quả thu hút đầu tư của từng địa phương./.