Miệt mài “vác tù và hàng tổng”
Quả thật, đó là câu nói chẳng hề sai khi nhắc đến bà Nguyễn Thị Thâm ở làng Hoa Thám, xã Trung Thành, huyện Yên Thành. Bởi gần 20 năm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuồng xã Trung Thành và hơn 30 năm trong vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm 7, ngoài chăm lo việc gia đình, bà Thâm dành hầu hết thời gian còn lại cho việc làng, việc xã.
Nhiều năm qua, bà được biết đến là người có đôi tay khéo léo khi tự tìm tòi, học hỏi để may phục trang và làm các đạo cụ cần thiết để phục vụ cho các buổi biểu diễn tuồng. Cầm chiếc mũ đang may dang dở, bà Thâm cho biết, đặc điểm phục trang của tuồng là ưa chuộng những chất liệu vải có màu sắc sặc sỡ, lấp lánh, hút mắt người nhìn.
Những loại vải đó rất khó tìm mua ở các chợ quê, nên nhiều khi bà phải vào tận chợ Vinh để tìm mua. Sau khi mua vải về, bà lại lọ mọ “lên mạng” và hỏi các thành viên trong những đội tuồng khác để hiểu hơn về kiểu dáng, cách may làm sao cho đúng với tính chất của từng vai diễn.
Bà cho biết, trang phục biểu diễn của từng nhân vật trong nghệ thuật tuồng có phong cách, dấu ấn riêng. Phục trang dựa trên quy định của các nhân vật, như là vai vua, hoàng hậu, công chúa, quan lại hay người dân bình thường.
Mỗi vai chỉ cần nhìn vào trang phục là người xem có thể đoán được phần nào địa vị xã hội, tuổi tác, thân phận nhân vật diễn trên sân khấu. Mỗi bộ trang phục cho diễn viên tuồng đòi hỏi rất nhiều chi tiết đi kèm như mũ, râu, ria, hia, hài… và đạo cụ cho nhân vật sử dụng.
Vừa nghe bà nói, chúng tôi vừa nhìn vào những túi đồ được xếp ngay ngắn, ngăn nắp mà bà cất giữ cẩn thận cho các thành viên trong câu lạc bộ tuồng. Nổi bật trong số đó, chúng tôi ấn tượng với hệ thống các loại mũ đội do bà tự tay làm. Đa dạng màu sắc, kiểu dáng: những chiếc mũ giản đơn với gam màu trầm, tối; những chiếc mũ được đính kim sa lấp lánh với vô vàn hạt cườm đủ màu sắc; những chiếc mũ được đính lông công tạo thành hình vòng cung ấn tượng trên chỏm đầu…
Nghe bà Thâm phân tích, chúng tôi mới thấu hiểu được những hàm nghĩa sâu xa từ những màu sắc, kiểu dáng ấy. Bà cho biết, sở dĩ mũ chiếm số lượng lớn trong kho tàng phục trang của tuồng bởi hầu như nhân vật nào cũng đều sử dụng. Từ vua chúa, quan lại, hoàng hậu, tiểu thư cho đến nho sinh, nhà sư, lão nông, thiếu nữ, trẻ em… đều được quy ước có một kiểu mũ riêng.
Theo đó, Vua thì đội mũ cửu long, đính 9 con rồng. Hoàng hậu thì đội mũ cửu phụng, đính 9 con phụng. Tướng thì dùng mũ kim khôi. Trong hệ thống phục trang, mũ là một trong những chi tiết tiêu tốn thời gian nhiều nhất của người làm, cũng là thế mạnh của bà Nguyễn Thị Thâm. Vì thế, các thành viên trong câu lạc bộ tuồng rất yêu thích các loại mũ do bà làm ra.
Điều đặc biệt ở chỗ, bà tự tìm tòi cách làm, tự tìm mua vải và các phụ kiện để phục vụ miễn phí cho mọi người. Thậm chí, bà còn cho các đội tuồng khác trên địa bàn huyện mượn về sử dụng mà không hề toan tính hay đòi hỏi trả công.
Vừa qua, Câu lạc bộ Tuồng Kẻ Gám cũng phải mượn của bà Nguyễn Thị Thâm 7 cái vây, 5 cái xây và 2 cái mũ để về biểu diễn. Sở dĩ phải mượn bà là bởi các phục trang bà làm ra rất tinh xảo, khéo léo và phù hợp với đặc điểm từng nhân vật. Vậy mà đến khi trả tiền công thì bà chẳng lấy. Đối với bà Thâm thì gần 20 năm qua, hầu như các phục trang bà làm ra đều để mọi người sử dụng hoàn toàn miễn phí.
Nhiều người ngạc nhiên, song với bà Thâm, đó lại là một việc hết sức bình thường. Bởi theo bà: “Mình xuất phát là một người nông dân, yêu và gắn bó với tuồng cổ nên cố gắng mày mò làm sao có được những đạo cụ và phục trang phù hợp để cho các thành viên câu lạc bộ sử dụng. Bao nhiêu năm qua, làm ra sản phẩm không mong được trả công, trả tiền. Điều duy nhất mong muốn mọi người có đủ phục trang biểu diễn là vui lắm rồi…”.
Người “tiếp lửa” đam mê nghệ thuật tuồng cổ
Kể về cơ duyên gắn bó với tuồng cổ, bà Nguyễn Thị Thâm cho biết, ngay từ thuở nhỏ, khi mảnh đất Yên Thành còn sôi nổi hoạt động của các đội tuồng biểu diễn thì bà đã đem lòng say mê bộ môn này. Thời điểm đó, một người anh trong họ ngoại của bà ở đội tuồng xã Nam Thành đã phát hiện ra năng khiếu của bà, nên đã hết lòng chỉ dẫn. Sau đó, chính anh đã xin phép hai cụ thân sinh của bà để giúp bà tham gia một vài vai diễn trong đội tuồng của xã.
Những ngày đầu, bà được giao vai dạo tuồng hoặc đóng vai con, vai cháu. Đến năm 15 tuổi, bà bắt đầu tạo được dấu ấn trong lòng người xem ở những vai khó như vai Châu Long – vợ của Lưu Bình trong vở “Lưu Bình, Dương Lễ”, hoặc vai Kiều Nguyệt Nga trong vở tuồng Lục Vân Tiên.
Năm 17 tuổi, bà lấy chồng về xã Trung Thành. Biết bà đã có nhiều vai diễn trước đó, ông Cao Đình Hùng là đội trưởng của Đội tuồng cổ xã Trung Thành đã đến đặt vấn đề mời bà Thâm vào đội. Khi tuổi đã vào độ chín, bà Thâm được giao những vai khó như vai Thi Sách trong vở “Trưng Trắc, Trưng Nhị”, vai Trọng Thủy trong vở “Trọng Thủy – Mỵ Châu”. Đặc biệt, vai Lão Tạ trong vở tuồng “Ngọn lửa Hùng Sơn” được xem là một vai “đinh” khiến cho nhiều người khi nhắc đến tuồng cổ đều nhớ đến vai diễn này.
Sau này, một thời gian tuồng cổ dần vãn bóng trên mảnh đất Trung Thành nói riêng, huyện Yên Thành nói chung. Cho đến năm 2004, khi huyện Yên Thành có nhiều chính sách phục dựng, phát huy giá trị tuồng cổ thì các câu lạc bộ tuồng bắt đầu được tái lập và hoạt động sôi nổi trở lại. Nhờ vậy, Câu lạc bộ Tuồng cổ xã Trung Thành được thành lập với 12 thành viên. Bà Nguyễn Thị Thâm được mọi người tin tưởng bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ.
Kể từ giây phút đó, bà đã dành trọn tâm huyết của mình với câu lạc bộ và phát huy tối đa năng lực bản thân trong quá trình biểu diễn. Nhờ vậy, bà đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan Câu lạc bộ Tuồng huyện Yên Thành vào năm 2008; Diễn viên cao tuổi nhất hát tuồng hay nhất năm 2013; Diễn viên xuất sắc Liên hoan Câu lạc bộ Tuồng huyện Yên Thành tại Lễ hội Đền Đức Hoàng năm 2011…
Trong năm 2015, bà Nguyễn Thị Thâm đã đưa các thành viên của câu lạc bộ tham gia Liên hoan “Tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” tại thành phố Đà Nẵng. Năm đó, câu lạc bộ đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả và được UBND thành phố Đà Nẵng biểu dương, khen thưởng.
Những ngày này, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thâm lại rộng cửa đón chào các thành viên của Câu lạc bộ Tuồng xã Trung Thành đến tập luyện để chuẩn bị cho Lễ hội Đền Đức Hoàng, Lễ hội Chùa Gám… Với họ – những người nông dân thuần chất, được hát, được múa, được hóa thân trong từng vai diễn là niềm hạnh phúc vô bờ. Và trong từng vai diễn ấy, người ta lại nhớ đến hình ảnh người phụ nữ tỉ mẩn, chăm chút từng đường kim, mũi chỉ để làm nên phục trang đẹp nhất cho mỗi đào, kép được thăng hoa…