Ngựa Mường Lống thích nghi với điều kiện khí hậu lạnh, điều kiện tự nhiên vùng núi cao trên 1.300m so với mặt nước biển và ít bệnh tật, phù hợp với phương thức chăn nuôi của đồng bào người Mông tại Nghệ An.
Ngựa Mường Lống có màu sắc khá đa dạng với lông vàng, nâu hoặc đen. Một con ngựa trưởng thành thường cao khoảng 1,1 – 1,3 mét, nặng gần 2 tạ. Trước đây, ngựa được bà con vùng cao sử dụng trong việc thồ lúa gạo hoặc vận chuyển hàng hoá, cưỡi lên xuống núi. Tuy nhiên, theo thời gian, giống ngựa này ngày càng ít.
Ông Và Nhìa Tu, bản Mường Lống 1, xã Mường Lống cho biết: “Trước đây đường sá đi lại khó khăn, hiểm trở, không có phương tiện nên ngựa được bà con ta nuôi nhiều, đến mùa gặt là thồ lúa trên lưng ngựa về nhà. Tuy nhiên, thực tế ngựa sức kéo yếu hơn so với trâu bò, chưa kể đến việc chăm sóc cũng vất vả hơn, khó thuần hơn, nên dần dần người ta không nuôi nữa…”.
Theo thống kê, trước đây trên địa bàn xã Mường Lống có trên dưới 100 con ngựa thì đến cuối năm 2023 chỉ còn khoảng 30 con, được nuôi rải rác tại các bản Mường Lống 1, Mường Lống 2, bản Trung Tâm…
Ông Và Chá Xà – Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Từ thời xa xưa, khi chưa có phương tiện, máy móc, đường xói lở, gập ghềnh thì đồng bào ở đây đã nuôi ngựa với số lượng lớn. Tuy nhiên đến nay, việc nuôi ngựa để đáp ứng các vấn đề như di chuyển, vận chuyển hàng hoá… không còn nhiều như trước. Bên cạnh đó, giá ngựa trên thị trường cũng không quá cao, 1 con ngựa trưởng thành chỉ có giá từ 10 – 20 triệu, không chênh lệch lắm so với trâu bò nên dần dần bà con không nuôi nữa. Thực tế nguy cơ biến mất giống ngựa bản địa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước nguy cơ biến mất giống ngựa Mường Lống bản địa, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã phối hợp với Viện Chăn nuôi để có các phương án bảo tồn giống ngựa quý hiếm này.
Đại diện Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết: Với đặc thù khí hậu, thời tiết, địa hình tại huyện Kỳ Sơn nói chung và xã Mường Lống nói riêng thì để có một vật nuôi thích ứng và sinh sống được trong điều kiện như vậy là rất khó, nhưng giống ngựa nơi đây đã trụ được. Đây là giống ngựa quý, đẹp, sức sống tốt, do đó không thể để mất đi nguồn gen vật nuôi này. Hiện nay, 2 đơn vị đang phối hợp để triển khai mô hình bảo tồn ngựa Mường Lống bản địa, trong đó tập trung hướng dẫn, tập huấn cho bà con các kỹ thuật nuôi, hỗ trợ thuốc thú y, thức ăn, kỹ năng phòng chống dịch bệnh… để đàn ngựa vẫn được duy trì.
Hiện nay, xã Mường Lống là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất trên địa bàn huyện Kỳ Sơn và tỉnh Nghệ An nói chung. Nơi đây nổi tiếng với sắc mận, sắc đào, những vườn hồng đỏ rực… cùng lớp sương mù bao phủ. Do đó, việc bảo tồn giống ngựa bản địa không chỉ giúp lưu giữ nguồn gen vật nuôi quý hiếm mà còn tạo nên nét đặc trưng, góp phần phát triển du lịch tại vùng “cổng trời” này.