Lạc sen – giống lạc quý của Nghệ An
Những thập niên trước, lạc là nông sản chủ lực của các miền quê như: Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Đô Lương… với diện tích gieo trồng xấp xỉ 30.000 ha/năm. Những làng “xáo” lạc đến mùa cũng đông như trẩy hội. Người dân huyện Diễn Châu đến mùa lạc lại toả ra các huyện thu mua lạc củ để về nhập cho các cơ sở chế biến, xuất khẩu. Một số cơ sở chế biến dầu lạc cũng ra đời chế biến dầu phục vụ người dân, đồng thời lấy khô lạc phục vụ chăn nuôi. Còn nhớ những năm thập niên 80, 90 khô lạc đóng thành bánh, có khi còn được dùng để chế biến nhiều món ăn cho người vì lương thực không đủ.
Diễn Châu là thủ phủ của lạc ở Nghệ An. Thương hiệu lạc Nghệ An cũng có nền tảng từ đây. Năm 2010, diện tích lạc Nghệ An là 22.000 ha, đến năm 2020 diện tích còn 12.900 ha, giảm hơn 9000 ha. Huyện Diễn Châu là trọng điểm sản xuất lạc của tỉnh đến nay vẫn duy trì diện tích khoảng 3.000 ha/năm.
Lạc Diễn Châu có vị bùi, ngọt, thơm được cả nước ưa chuộng, đã được xuất khẩu đi các nước như: Nga, Trung Quốc, Indonesia… Đã có thời điểm, lạc trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh mà nhân gian truyền nhau “Lạc là thép, là gang, lạc sang nước bạn lạc mang máy về”.
Trong các giống lạc thì lạc sen Nghệ An là giống lạc quý, đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt ở Nghệ An. Còn nhớ, trong đợt lũ tháng 10/2023, ở xã Diễn Thành, nơi có diện tích lạc lớn của Diễn Châu, dù ngô, rau bị ngập hỏng hết, nhưng cây lạc vụ đông phủ nilon giữa bãi đất thấp vẫn tốt xanh, cho sản lượng củ cao với gần 30 củ/bụi. Lạc sen cũng là giống lạc chất lượng cao. Theo nghiên cứu, hàm lượng chất béo đạt 45,79%, protein đạt 27,99%, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, có hương vị thơm ngon rất đặc trưng: Củ to, đều, vỏ mỏng, tỷ lệ nhân rất khá (>72%), năng suất cao và ổn định.
Anh Nguyễn Sỹ Thắng, chủ doanh nghiệp chế biến lạc Nghệ An ở Diễn Châu cho biết: Đặc thù môi trường thổ nhưỡng của Nghệ An tạo cho hạt lạc săn chắc, thơm, bùi, ngon, được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, có lúc cây lạc sen Nghệ An mất dần thương hiệu. Nhiều lô hàng xuất khẩu bị đối tác trả về, diện tích lạc vì thế cũng giảm xuống.
Lạc OCOP lên ngôi
Bao năm qua cây lạc là cây quan trọng ở Diễn Châu. Mùa xuân đi qua đây cánh đồng lạc phủ trắng ni lông với muôn triệu mầm lạc vươn đón nắng. Nhà nhà trồng lạc, tới mùa gọi nhau mua bán lạc.
Chị Thu xóm 8, xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) trồng 4 sào lạc sen thắt, mỗi vụ sản lượng đạt 4-5 tạ khô, bình quân mỗi năm thu về được 14-15 triệu đồng, trừ chi phí giống, công vài triệu đồng, còn lại tiền lời được khoảng 12 triệu đồng/vụ. Thu nhập đó là khá so với trồng các cây trồng khác, trồng lạc không phải chăm sóc nhiều, chủ yếu phủ ni lông và giữ không bị nấm mốc hại cây.
Lạc không lo ế, lúc nào cũng bán được. Chị Thu còn cho biết, trồng lạc giống bán cho bà con là được giá nhất. Thu hoạch lạc xong chị bán cho các cơ sở chế biến trên địa bàn, vụ xuân thì còn bán lạc tươi phục vụ khách du lịch, hầu như không lo bị ế.
Ước mơ khôi phục thương hiệu lạc Nghệ An và mở rộng diện tích lạc luôn cháy bỏng đối với anh Thắng. Nhận thấy ngoài thị trường xuất khẩu thì thị trường nội địa rất có tiềm năng khi lạc là một nông sản được ưa chuộng, anh Thắng quyết tâm xây dựng thương hiệu lạc nhân Diễn Châu thành sản phẩm OCOP chất lượng cao. Anh Thắng cho biết: Qua những bài học trong quá trình xuất khẩu lạc, người dân Diễn Châu đã ý thức được giá trị cây lạc và việc tạo đầu ra bền vững cho nông sản quê nhà là yêu cầu bức thiết.
Với suy nghĩ như vậy, nhận thấy giá trị đặc hữu của lạc sen Nghệ An, anh Thắng đã xây dựng quy trình chế biến lạc nhân đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cũng như tuyển chọn nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn.
Lạc củ sau khi được tuyển chọn được anh Thắng chỉ đạo nhân công bóc bằng tay tại doanh nghiệp, chọn lựa từng hạt và sấy đạt tiêu chuẩn tốt nhất. Sản phẩm lạc nhân của anh được chào đón, được cấp chứng nhận OCOP 4 sao và nhanh chóng có mặt ở các siêu thị lớn. Không những vậy, hiện nay anh Thắng còn xuất khẩu lạc sang châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản. Mỗi năm, anh thu mua của bà con nông dân khoảng 1.000 tấn lạc nhân.
Anh Thắng cho biết thêm: Cái mà lạc Diễn Châu duy trì được thương hiệu hiện nay là chất lượng gốc của giống lạc sen và bí quyết thu hoạch, chế biến, đảm bảo hạt lạc được thu hoạch ở giai đoạn chín sinh lý, các chất dinh dưỡng đạt cao nhất và khi phơi khô, hạt lạc không bị nứt. Với sự quan tâm của các cấp, anh Sỹ Thắng đang quyết tâm xây dựng thương hiệu lạc Nghệ An ngày một chất lượng và tiến tới đạt OCOP 5 sao.
Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh ông Trần Văn Quang cho biết: Nhờ nỗ lực của anh Thắng cũng như huyện, xã và các cơ quan chức năng, giá trị cây lạc ngày càng được khẳng định. Không chỉ trồng lạc, vào mùa vụ, người dân Diễn Châu đi làm hàng xáo lạc cũng có thể thu nhập được hàng trăm triệu đồng.
Trước đó, trong giai đoạn 2017 – 2019, một dự án nông nghiệp chuyên về lạc của Hàn Quốc cũng được đầu tư tại 3 xã của Diễn Châu và xã Nghi Long (Nghi Lộc), xã Nam Lộc (Nam Đàn). Hiệu quả của dự án đã tạo ra cho người dân ý thức cách làm sản phẩm hàng hoá, hướng dẫn người dân cách làm thương hiệu và nâng tầm thương hiệu lạc, giúp cho người dân hiểu được giá trị to lớn của nông sản mình làm ra sau khi có xuất xứ, nhãn mác.
Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án mô hình chế biến các sản phẩm OCOP từ lạc gắn với vùng nguyên liệu có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc tại xã Diễn Thịnh (Diễn Châu). Trong Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, kênh mương, mã vùng, sản phẩm tổng trị giá 15 tỷ đồng, trong đó đầu tư trung tâm giới thiệu sản phẩm lạc ở Diễn Châu 1, 3 tỷ đồng.