Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, vợ chồng anh Hồ Đình Vinh ở xóm Nam Sơn, xã Tam Hợp (Quỳ Hợp) hầu như có mặt ở ngoài vườn trồng hoa đào phai từ sáng tới chiều. Đã ngót nghét 15 năm trồng hoa đào, khu vườn của anh Hồ Đình Vinh hiện nay vẫn duy trì hơn 600 gốc đào đang cho thu hoạch.
Thời điểm giữa tháng 12 âm lịch, chỉ tay vào những gốc đào có buộc dây để “đánh dấu”, anh Vinh cho biết, có hơn 100 gốc đào đã được khách đặt cọc, chính là những cây có buộc dây. Những cây đào buộc dây hầu hết khách đã chuyển tiền, chỉ chờ dịp cận Tết đến tận vườn mang cây về.
“Trong số các cây đã được đặt trước, có hơn một nửa là của khách mua sỉ để mang về thành phố Vinh bán. Ít hôm nữa khách sẽ đến bốc hàng. Chủ yếu là chặt cành. Chỉ một vài khách trên địa bàn huyện mua nguyên cả cây”, anh Vinh cho hay.
Cùng phụ chồng chăm hoa, “hãm” cây nở sớm và kích thích cây nở muộn, chị Trần Thị Thu cho biết, chị chủ yếu trồng giống đào phai, chỉ một số ít là đào Nhật Tân. Khách mua đào của gia đình chị chủ yếu là khách quen. Năm nay, giá bán tại vườn trung bình 500.000 – 600.000 đồng/cây; một số cây nhiều cành đẹp thì giá nhỉnh hơn một chút.
“Năm nay thời tiết thất thường, trong đó, ngày nắng nóng nhiều hơn ngày lạnh nên người trồng phải có kinh nghiệm mới có thể điều chỉnh cây ra hoa đúng dịp Tết đến, Xuân về. Những cây đến giữa tháng Chạp mới ra nụ lấm tấm có nguy cơ chậm nở, hoặc không nở hoa thì phải kịp thời dùng thuốc kích thích ra hoa đúng liều lượng. Những cây có nụ to, có nguy cơ nở rộ trước Tết thì lại phải giảm chăm sóc”, anh Vinh cho biết.
Với vườn đào 600 gốc, mỗi mùa giáp Tết, vợ chồng anh Hồ Đình Vinh cũng có nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Cũng ở xóm Nam Sơn, vườn hoa cúc của chị Trần Thị Linh những ngày này thường nhộn nhịp người ra, vào. Giữa những luống hoa cúc cao gần quá nửa thân người, khách mua hoa tự lựa chọn “hàng” theo ý mình.
Chị Nguyễn Trà Giang – một khách quen của vườn hoa chị Linh cho hay, năm nào chị cũng đến đây mua cây hoa về trồng. Chị mua tất cả các màu, song thích nhất là hoa cúc trắng và hoa cúc tím.
Theo nghề trồng hoa đã hơn 10 năm, chị Trần Thị Linh cho biết, khu vườn hơn 4 sào của gia đình đều dành để trồng gần 7 vạn gốc hoa, chủ yếu là hoa cúc các loại. Cúc là giống hoa có thể trồng quanh năm, ngày thường bán hoa để phục vụ các lễ cúng ngày tuần hàng tháng, với giá trung bình khoảng 3.000 đồng/bông.
Còn dịp áp Tết, lượng khách mua hoa tăng cao nên chủ yếu chị Linh trồng các loại hoa cúc màu trưng Tết. Chị Linh bộc bạch, trồng hoa cúc tuy không yêu cầu kỹ thuật cao, song lại phải tỉ mẩn và quan sát sự phát triển của cây, hoa và phát hiện sớm những biểu hiện bệnh gây cháy lá, rụng hoa, nhất là những ngày thời tiết mưa, sương mù nhiều.
Hoa cúc là cây trồng cạn, không chịu được ngập úng, do đó, đất trồng phải cao ráo, tơi xốp, thoát nước tốt. Vì vậy, những ngày hanh khô, nắng, hoặc vừa lạnh, vừa khô cũng cần chú ý điều chỉnh lượng nước tưới để hoa không bị rụng, héo hoặc cháy cánh, rũ cánh.
“Tầm 1 tuần nữa, khoảng ngoài 20 âm lịch thì cúc bắt đầu nở rộ, cũng là thời điểm giá hoa tăng hơn so với ngày thường 2.000 – 3.000 đồng tại vườn. Giá bán hoa cả cây khoảng 4.500 – 5.000 đồng/cây tùy số lượng mua”, chị Linh cho biết.
Xóm Nam Sơn có hơn 100 hộ, chỉ có 2 hộ trồng hoa, trong đó, có hộ chị Trần Thị Linh. “Tuy mang lại thu nhập không cao, chỉ vài chục triệu đồng mỗi năm, song lại không lo ế hàng. Trồng hoa cúc có thể bán được quanh năm. Dịp áp Tết tôi thường tăng số lượng cây gấp đôi mới có thể đáp ứng các đơn hàng, cũng là cách tăng nguồn thu nhập phục vụ sắm sửa đón Tết”, chị Linh cho biết.