Sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì.
LƯỢNG KHÁCH QUỐC TẾ ĐẾN VIỆT NAM TĂNG CAO
Báo cáo về định hướng, giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, năm 2023, trong bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tích cực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành kịp thời. Các vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế có chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thủ tục xuất, nhập cảnh, thị thực.
Sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được cải thiện. Công tác phát triển du lịch được phát triển đặt trong tổng thể công tác văn hóa đối ngoại, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, hoạt động thể thao, hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại.
Các sự kiện du lịch được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm, có sức hấp dẫn, lan tỏa tại các địa phương, nhận thức của toàn xã hội về vai trò, vị trí, đóng góp của ngành Du lịch có chuyển biến tích cực.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Cùng với đó, du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật là giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á 2023” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023”, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng của các đồng chí lãnh đạo, của ngành, của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch, chuyên gia đã tập trung phân tích, làm rõ các vấn đề nội tại của ngành Du lịch; đề xuất, hiến kế các định hướng, giải pháp nhằm đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm ra các động lực tăng trưởng mới để phát triển nhanh và bền vững.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM NHANH, BỀN VỮNG
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để ngành Du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cơ bản đồng tình với báo cáo những kết quả nổi bật của ngành Du lịch trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông được đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, thiên nhiên hùng vĩ, nền văn hóa dân tộc phong phú, đặc sắc, người dân hiền hậu, chân thành.
Tuy nhiên, trong du lịch còn một số tồn tại, hạn chế như thể chế chưa đầy đủ; các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, đặc sắc mang tính Việt Nam. Tính liên doanh, liên kết còn lỏng lẻo, còn hiện tượng “mạnh ai nấy làm”; chưa tạo được chuỗi dịch vụ du lịch quốc gia, quốc tế, các sản phẩm du lịch chưa đặc sắc.
Chưa tổ chức được nhiều sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế, để trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch phải chủ động hơn, bố trí nguồn lực còn phân tán, dàn trải. Công tác quản lý du lịch cần quản lý thông minh.
Nhấn mạnh quan điểm phát triển du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, phải nâng cao nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò, tầm quan trọng, giá trị ngành Du lịch đối với phát triển đất nước, từ đó, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của các chủ thể có liên quan.
Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế – xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội về phát triển hệ sinh thái, phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, tiếp tục phát huy tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam.
Lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Nghị quyết số 82 của Chính phủ đã xác định, sản phẩm phải đặc sắc; dịch vụ phải chuyên nghiệp; thủ tục thuận tiện, đơn giản; giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh sạch, đẹp; điểm đến an toàn, thân thiện, thông minh.
Các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 82 của Chính phủ, với phương châm: Liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện.
Mặt khác, hình thành các liên kết vùng, động lực tăng trưởng du lịch, hình thành một cung đường nhưng nhiều điểm đến. Tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết vùng, liên kết tỉnh và liên kết cả nước. Tăng cường quan hệ hợp tác công – tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển du lịch. Thúc đẩy các mô hình quản trị thích hợp, phát triển du lịch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch, xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo, trên cơ sở phát huy tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, mở rộng các thị trường mới, tiềm năng.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch…