PHẤN ĐẤU 100% XÃ “VỀ ĐÍCH” TRONG NĂM 2023
Nghĩa Thọ là xã miền núi của huyện Nghĩa Đàn, với 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Có sự hỗ trợ của các cấp, ngành và sự chung sức của người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Nghĩa Thọ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Diện mạo nông thôn Nghĩa Thọ đã khởi sắc rõ. Nhà dân được xây dựng khang trang; các tuyến đường nắng bụi, mưa lầy trước đây được thay bằng những con đường nhựa, bê tông đến cửa các gia đình; các nhà văn hóa xóm đều được xây mới, gắn với đầu tư đầy đủ các thiết chế đồng bộ; hệ thống kênh mương bê tông vươn khắp những cánh đồng…
Cùng đó, bà con tích cực phát triển sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa. Ngày càng có nhiều mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao, thu nhập bình quân đạt trên 43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,38%. Đến nay, xã Nghĩa Thọ đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong tháng 10/2023, Hội đồng Thẩm định xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã khảo sát, thẩm định xã hoàn thành các chỉ tiêu.
Chia sẻ về thành quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Trương Công Cánh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ cho biết: “Cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cùng nhân dân xã Nghĩa Thọ đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Để đạt được kết quả trong điều kiện còn nhiều khó khăn, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Khi tư tưởng người dân đã thông, đều tích cực góp công, góp của xây dựng các công trình dân sinh”.
Điều đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Nghĩa Thọ, nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất mở đường, đóng góp nhiều hơn mức quy định để làm nên những công trình quan trọng”.
Xã Nghĩa Lạc là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 97,8% đồng bào dân tộc Thái – Thổ sinh sống, có 2/5 xóm đang thụ hưởng thôn, bản đặc biệt khó khăn. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trước đây, hệ thống giao thông của xã Nghĩa Lạc chỉ có tuyến Quốc lộ 48 nối liền trung tâm xã với huyện, còn lại chủ yếu là các tuyến đường đất rất nhỏ hẹp; ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại, mua bán, vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư nhưng vẫn còn hạn chế, nên không tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội xứng với tiềm năng sẵn có.
Ông Lê Trọng Cán – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lạc cho biết: Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, hàng năm có kế hoạch để thực hiện các tiêu chí và phân nhóm các tiêu chí theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Trong tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, với nhiều hình thức đa dạng, gần gũi với người dân nên nhận được sự đồng tình rất lớn. Qua đó, người dân tích cực hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi. Đồng thời, mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên có một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đến nay chưa đạt yêu cầu như: cơ sở vật chất văn hóa, xây dựng nhà ở dân cư, giảm nghèo đa chiều. Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, xã Nghĩa Lạc phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành các tiêu chí còn lại để về đích nông thôn mới.
Như vậy, nếu cuối năm nay, xã Nghĩa Lạc về đích nông thôn mới sẽ góp phần đưa 100% xã ở huyện Nghĩa Đàn hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2023. Nhiều xã cũng tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay (2011-2023), các địa phương ở huyện Nghĩa Đàn đã huy động tổng cộng 13.555 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp (tiền mặt, hiến đất, hàng rào, cây cối…) đạt trên 189 tỷ đồng.
TÍCH CỰC XÂY DỰNG HUYỆN NÔNG THÔN MỚI
Để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, huyện Nghĩa Đàn đã xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình cụ thể với những nhiệm vụ phù hợp cho từng địa phương, trong từng giai đoạn, đồng thời, tập trung huy động tốt các nguồn lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, huyện luôn xác định lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là động lực, là nền tảng căn bản của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đốc thúc tất cả các xã về đích năm 2023, huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo các xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới tiếp tục nâng cao các tiêu chí, đáp ứng việc hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, bên cạnh xã Nghĩa Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (năm 2022), huyện Nghĩa Đàn đang tập trung chỉ đạo xây dựng xã Nghĩa Hiếu và xã Nghĩa Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đồng thời, huyện tích cực rà soát, xây dựng hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Trong những năm qua, huyện Nghĩa Đàn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các xã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ, kích cầu xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Nghĩa Đàn đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và huy động được sự tham gia của mọi thành phần, mọi lực lượng trong xã hội. Năm 2023, tiếp tục thực hiện chủ trương “chung tay của các cơ quan, đơn vị cấp huyện hỗ trợ các xóm, xã xây dựng nông thôn mới” của Huyện ủy, cán bộ các cơ quan, đơn vị cấp huyện đã góp hơn 150 triệu đồng (tiền mặt và hiện vật) hỗ trợ các xóm xây dựng nông thôn mới.
Qua trao đổi, ông Trần Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt đó chính là xây dựng huyện Nghĩa Đàn trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An và là huyện nông thôn mới vào năm 2025. Trên cơ sở đó, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Cùng đó, triển khai nhiều đề án, mở nhiều hội nghị nâng cao sản xuất, điển hình như các đề án: “Phát triển cây ăn quả có lợi thế của huyện Nghĩa Đàn gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm; “Phát triển, nâng cao chất lượng HTX nông nghiệp gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”(OCOP),… Điều đó góp phần đưa các địa phương phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, củng cố an ninh, trật tự, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân, huyện Nghĩa Đàn đang từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.