Dự buổi làm việc, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Quốc Khánh – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Hồ Đăng Tài – Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Phạm Ngọc Cảnh – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.
Đoàn tỉnh Bắc Giang do đồng chí Ngô Văn Nam – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh uỷ làm Trưởng đoàn. Cùng tham gia trong đoàn có các đồng chí: Trần Tuấn Nam – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Vũ Mạnh Hùng – Giám đốc Sở Nội vụ và 65 thành viên của Lớp học.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh uỷ đã trao đổi, chia sẻ đến đoàn Lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp uỷ tỉnh Bắc Giang về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay và những cách làm sáng tạo, hiệu quả của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Có 28/35 chỉ tiêu đã đạt, vượt và dự kiến đạt, 7 chỉ tiêu tiếp tục phải phấn đấu. Thu hút đầu tư là điểm sáng, tiếp tục đứng trong Top 10 của cả nước về thu hút đầu tư FDI, 9 tháng đầu năm 2023 đạt gần 1,3 tỷ USD.
Đặc biệt dù trong bối cảnh khó khăn song kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn so với bình quân chung của cả nước; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng 6,13%; năm 2022 tăng 8,78%; 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,79%.
Công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện. Đặc biệt Chương trình hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 đến nay đã có 5.159 hộ đã được hỗ trợ nhà.
Trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Nghệ An đã thực hiện tốt các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; Thực hiện dân vận khéo, quy chế dân chủ cơ sở.
Cùng đó, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, tìm cán bộ tốt qua thời gian công tác; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm; Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; Quan tâm, phát triển các tổ chức chính trị xã hội Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh…
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
Trong đó, đặc biệt chú trọng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân. Thực hiện tốt cơ chế thông tin, trao đổi, phối hợp để xử lý hiệu quả các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Nghiêm túc khắc phục, sửa chữa các hạn chế, khuyết điểm.
Nghệ An cũng phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nội lực; tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; chủ động kết nối, hợp tác với các tỉnh bạn, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội.
Tỉnh luôn bám sát chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; chủ động, kiên trì đề xuất, kiến nghị với Trung ương các cơ chế, chính sách để thực hiện định hướng, mục tiêu đã xác định; phát huy tốt tính linh hoạt, sáng tạo của các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Tỉnh chỉ đạo các cấp triển khai nhiệm vụ toàn diện trên các lĩnh vực; đồng thời lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá để ưu tiên bố trí nguồn lực và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện.
Tỉnh Nghệ An cũng thực hiện tốt công tác cán bộ gắn với đề cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành; phát huy chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội và của nhân dân.
Thông tin về tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Ngô Văn Nam cho biết, tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ cao, hằng năm luôn nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước; bình quân giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt 14%/năm. Quy mô nền kinh tế năm 2023 dự kiến đạt trên 180.000 tỷ đồng, vươn lên thứ 12 cả nước.
Tăng trưởng cao đã thu hẹp đáng kể chỉ số GRDP bình quân đầu người so với cả nước, năm 2023 ước đạt 3.900 USD/người/năm. Thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài của Bắc Giang luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Từ năm 2021 đến hết 30/6/2023, Bắc Giang thu hút được gần 4,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong lớp học tỉnh Bắc Giang mong muốn tỉnh Nghệ An trao đổi về kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phát triển đảng viên; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là thu gom, xử lý rác thải trong nông thôn; công tác đối ngoại, đảm bảo quốc phòng – an ninh; xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo;
Các thành viên lớp học cũng đề nghị tỉnh chia sẻ về công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là trong xây dựng sản phẩm OCOP; quá trình xây dựng và đề xuất Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị…
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh uỷ và lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn các vấn đề được đoàn quan tâm; đồng thời mong muốn trong thời gian tới 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang sẽ tiếp tục trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trên các mặt công tác, qua đó góp phần xây dựng 2 tỉnh ngày càng phát triển.