Các đồng chí: Trần Ngọc Tú – Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Vinh, Cụm trưởng Cụm Bắc Trung Bộ; Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh; Hoàng Thị Thanh Nhung – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Kim Sơn – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh Nghệ An và 17 thành phố thuộc 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ từ tỉnh Thanh Hoá đến Thừa Thiên – Huế.
Nỗ lực xây dựng đô thị xanh – sạch – đẹp
Cụm đô thị vùng Bắc Trung Bộ gồm 17 đô thị; trong đó có 7 thành phố và 10 thị xã trực thuộc 6 tỉnh; phân chia đô thị có 3 đô thị loại I; 2 đô thị loại II; 5 đô thị loại III và 7 đô thị loại IV.
Trong năm 2023, bám sát các chương trình hoạt động của Hiệp hội các đô thị Việt Nam cùng với thực tiễn, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động, nội dung phát triển đô thị cũng như giải quyết các vấn đề bức xúc đặt ra. Trọng tâm là tích cực tổ chức phong trào thi đua do Hiệp hội Các đô thị Việt Nam phát động năm 2023 với chủ đề “Xây dựng đô thị thông minh, xanh – sạch – đẹp – sáng, gắn với tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu”.
Theo đó, các đô thị trong vùng đã tích cực thúc đẩy thực hiện các tiêu chí xanh – sạch – đẹp thông qua bố trí ngân sách và nguồn xã hội hoá thực hiện các đề án phát triển cây xanh đô thị, trồng và chăm sóc cây xanh công cộng; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án đô thị mới theo tiêu chí đô thị xanh; chỉnh trang hạ tầng, cây xanh các tuyến đường chính; triển khai kế hoạch xây dựng vườn hoa, cây xanh khu dân cư trên toàn địa bàn đô thị.
Gắn với đó, các đô thị tập trung đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, trong đó tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước thải; hệ thống cấp nước sạch; tổ chức nhiều chương trình, chiến dịch bảo vệ môi trường với nhiều mô hình phù hợp với từng đô thị. Một số đô thị từng bước cải tạo, cập nhật công nghệ mới về chiếu sáng công cộng; quan tâm chiếu sáng nghệ thuật, trang trí; tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, đảm bảo đô thị văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, một số đô thị đã chủ động các hoạt động, sáng kiến mới về đô thị thông minh, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường. Như triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC); camera giám sát; thiết bị cảm biến theo dõi mực nước, cảnh báo ngập lụt…
Bên cạnh những mặt tích cực, hội nghị cũng đã chỉ ra một số hạn chế của các đô thị cần có giải pháp, trong đó điểm chung hạn chế ở các đô thị hiện nay chính là công tác quản lý đô thị còn bất cập; tình trạng ngập úng cục bộ còn xảy ra tại các đô thị; kết cấu hạ tầng đô thị nhiều nơi chưa tương xứng với tầm vóc do thiếu nguồn vốn đầu tư; phong trào xây dựng đô thị theo hướng hiện đại, xanh, thông minh, bền vững…, hiệu quả chưa cao.
Kinh nghiệm giải quyết ngập úng các đô thị
Vùng Bắc Trung Bộ là khu vực được đánh giá chịu nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các đô thị vùng Bắc Trung Bộ cũng có những bất cập chung về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xử lý và thoát nước, câu chuyện “ngập úng” đang là vấn đề “nóng” ở các đô thị.
Tại hội thảo, các ý kiến trao đổi đều khẳng định, vấn đề ngập úng đô thị là vấn đề “nóng”, nổi cộm, phức tạp, bức xúc của nhiều đô thị hiện nay. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của chính quyền, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.
Nhận thức rõ vấn đề đó, thời gian qua, các đô thị đã có nhiều trăn trở đề ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết một phần tình trạng ngập úng và xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Như thành phố Vinh đã chủ động lập quy hoạch, thu hút tài trợ của Ngân hàng tái thiết Đức, Ngân hàng Thế giới cùng với ngân sách địa phương để xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hợp phần chống ngập úng và xử lý nước thải.
Hay thành phố Huế, ngoài sử dụng ngân sách, đã chú trọng kêu gọi sự tài trợ từ các tổ chức quốc tế như JICA, KOICA, AIMF, SIAAP, AFD… để đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước tại một số tuyến đường, khu vực trong thành phố, kết hợp chỉnh trang đô thị.
Thành phố Thanh Hoá đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố cùng với quy hoạch thủy lợi chi tiết vùng; xây dựng và triển khai đề án thoát nước; xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án chống ngập úng…
Tuy nhiên “câu chuyện” ngập úng đô thị vẫn đang hiện hữu và trở nên bức xúc. Để giải quyết vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, cơ sở hạ tầng mà cốt lõi là công tác quy hoạch và đầu tư tương xứng và nguồn lực (bao gồm từ ngân sách, nhà đầu tư chiến lược và xã hội hoá) là những vấn đề các đô thị cần tiếp tục trăn trở, có giải pháp; đồng thời kiến nghị Trung ương cho phép các đô thị lập quy hoạch chuyên ngành để giải quyết hiệu quả vấn đề ngập úng đô thị.