Sáng 27/10, tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc.
Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành.
KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC HÀNH VI TRỐN THUẾ, GIAN LẬN THUẾ, PHÍ
Thực hiện Chỉ thị 20, tỉnh đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế, quy định, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, trách nhiệm phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế.
Đồng thời, hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, thất thoát; triệt để cải cách thủ tục hành chính.
Nghệ An cũng đã lập, triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động khoáng sản tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hạn chế tối đa việc cấp phép thăm dò, khai thác các loại khoáng sản khác, ngoài khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Tỉnh cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, phí.
UBND tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra đối với 22 doanh nghiệp/32 giấy phép khai thác khoáng sản và đã xử phạt, truy thu hơn 24,9 tỷ đồng; kê khai bổ sung nghĩa vụ thuế liên quan với tổng số tiền thuế, phí gần 18 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp gần 3 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 356 vụ, 400 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản.
Ngày 20/10/2023, UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các đơn vị hoạt động khoáng sản còn lại trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Ngoài ra, Sở Xây dựng và UBND cấp huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra; Sở Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải; kiểm soát tải trọng các khu vực đầu nguồn hàng.
Kết quả kiểm tra, xử lý đã tạo nề nếp, kỷ cương, sức lan tỏa, góp phần quan trọng để doanh nghiệp có ý thức trong việc thực hiện kê khai thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác nghiêm túc, góp phần tăng thu ngân sách trong lĩnh vực này. Tổng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản đã nộp lũy kế đến ngày 31/8/2023 là hơn 266 tỷ đồng.
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, định hướng kế hoạch trong thời gian tới.
Đồng chí Bùi Thanh An – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, cùng với cấp mỏ thì cần đẩy nhanh việc cấp đất đối với khu vực chế biến và các công trình phụ trợ; tăng cường kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần tham mưu các giải pháp dựa trên cơ sở pháp luật, đảm bảo nguyên tắc không gây rào cản cho doanh nghiệp; để vừa thực hiện tốt mục tiêu chống thất thu các loại thuế, phí trong hoạt động khai thác khoáng sản, vừa tạo điều kiện hoạt động cho doanh nghiệp.
Phân tích từ kết quả thời gian qua cho thấy khi tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh mới phát hiện ra sai phạm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở đối với hoạt động này còn hạn chế.
Do đó, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, cùng với kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tỉnh cần kiểm tra vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, đối với các loại khoáng sản như vật liệu xây dựng thông thường, khi đã đồng ý chủ trương cấp phép khai thác thì cần đẩy nhanh các thủ tục. Vì hiện nay, các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản còn chậm. Do đó, nên rà soát, đánh giá lại vấn đề này, trong đó có trình độ, năng lực của cán bộ tham mưu cấp phép khoáng sản.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị cần có thanh tra, kiểm tra để xác định rõ con số thất thu thuế để có giải pháp chống thất thu hiệu quả; đồng thời nghiên cứu có cơ chế linh hoạt trong việc cho phép khai thác nhỏ lẻ các vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi… ở các huyện vùng cao để phục vụ xây dựng các công trình nhỏ, tránh tình trạng ở vùng cao phải về xuôi mua vật liệu dẫn đến chi phí xây dựng đội lên cao.
SIẾT CHẶT QUẢN LÝ, CHỐNG THẤT THOÁT KHOÁNG SẢN
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhìn nhận, với quyết tâm cao của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tạo những chuyển động trong thái độ, phương pháp, cách thức của hệ thống chính trị đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Đồng thời, tỉnh Nghệ An đáp ứng được nhu cầu về khoáng sản cho thi công các công trình, dự án trọng điểm của Trung ương trên địa bàn và của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những tồn tại trong hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt phổ biến nhất là khai thác quá sản lượng được cấp phép dẫn đến nhiều hệ lụy, do đó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát tài nguyên, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn lao động.
Cùng với đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghe và cho chủ trương, biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn, chống thất thu thuế, phí trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An cũng thống nhất với việc kiểm tra vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa của chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn khi thực hiện Chỉ thị 20.
Đồng thời, cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ để tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn, đảm bảo linh hoạt trong khai thác khoáng sản như vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ nhu cầu ở các huyện miền núi.
Bí thư Tỉnh ủy đồng thời nhấn mạnh giải pháp xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu liên quan đến hệ thống doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động kiểm soát môi trường, an toàn lao động.
Đối với doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định tỉnh ưu tiên tối đa nguyên vật liệu phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn nhưng doanh nghiệp cũng phải vào cuộc thực hiện, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xử lý, đảm bảo các yêu cầu đề ra.
Cũng trong chương trình làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác như: Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 25 -NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bàn công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; thông qua Quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức các chuyến công tác cơ sở; dự mít tinh, lễ kỷ niệm, đại hội, hội nghị, tiếp khách của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;…