* Sáng 23/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An gồm 12 đại biểu do đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh dự họp.
Trước giờ khai mạc kỳ họp, vào 7 giờ 15 phút, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi tiến hành họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp, đúng 9 giờ sáng nay, Quốc hội họp Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11/2023, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2: từ ngày 20 đến ngày 28/11/2023. Kỳ họp thứ 6 được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 1 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
* Tại kỳ họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời gian tới. Thủ tướng cho biết: Những năm qua, mặc dù khó khăn trong đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024 trong 3 năm 2024 – 2026.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong năm 2025, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương từ ngày 01/7/2024.
Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.
* Liên quan đến hoạt động của cơ quan dân cử, sáng 23/10, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An làm việc với UBND tỉnh theo chương trình giám sát về việc thực hiện một số nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay.
Trên cơ sở giám sát trực tiếp tại 3 huyện (Anh Sơn, Nam Đàn, Quỳnh Lưu) và làm việc với một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, tại cuộc làm việc, đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo, phân công trách nhiệm các sở, ngành cấp tỉnh hướng dẫn triển khai, kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở trong triển khai thực hiện các chính sách. UBND tỉnh, cấp huyện và xã quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện 11 nghị quyết với tổng gần 1.800 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hơn 770 tỷ đồng.
* Năm 2024, Sở Tài chính Nghệ An đề xuất xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất tăng so với năm 2023 đối với đất phi nông nghiệp, cao nhất là tại TP. Vinh, hệ số được đề xuất là 1,3.
Để việc xác định giá đất cụ thể theo hệ số điều chỉnh giá đất (bằng giá đất tại Bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất) từng bước tiếp cận giá thị trường, nhưng đồng thời không gây tăng giá đột biến ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, Sở Tài chính đề xuất phương án theo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng địa bàn.
* Sáng 23/10, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch Nghệ An”.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến tham luận chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để góp phần thay đổi nhận thức, thúc đẩy chuyển đổi số du lịch tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến tham luận về triển khai áp dụng các nền tảng số quốc gia ngành du lịch; du lịch thông minh; các giải pháp chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…
* Được thành lập từ năm 2013, nhưng đến nay, Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông vẫn chưa được xây dựng. Vì vậy, suốt 10 năm qua, thầy và trò nhà trường phải tá túc ở nhiều đơn vị.
Thầy Lô Văn Thiệp – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông cho biết, hiện tại nhà trường có 380 học sinh, tất cả phải chen chúc trong 10 phòng nội trú. Do thiếu phòng, nên nhiều năm nay nhà trường không dám tuyển đủ chỉ tiêu. Chính vì thế, mong muốn của thầy và trò ở đây là có một ngôi trường đúng nghĩa.