Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, có 16 chương và 208 điều. Luật này quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tham gia thảo luận, góp ý vào dự thảo luật, đại diện các ban, ngành và ngân hàng trên địa bàn khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tạo cơ sở pháp lý ổn định các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh và có điều kiện phát triển thuận lợi.
Nội dung được các đại biểu quan tâm góp ý liên quan đến các giải pháp ngăn chặn tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.
Một số ý kiến cho rằng, trong thực tiễn hiện nay, tại một số ngân hàng thương mại tư nhân có dấu hiệu bị “thâu tóm”, bị chi phối bởi các cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông lớn hoặc các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân; tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, thậm chí là vi phạm pháp luật và hậu quả là tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Vì vậy, luật cần tiếp tục bổ sung các chính sách triệt để hơn để loại bỏ tình trạng này.
Liên quan đến nợ xấu, có ý kiến đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay để hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế; bảo đảm hài hoà, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hoá những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.
Đồng thời, cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi có yêu cầu xác định tình trạng tài sản bảo đảm để thu giữ tài sản bảo đảm.
Luật cũng cần quy định chi tiết hơn về quyền lợi của bên mua tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu; cần cân nhắc quy định xác định quyền thu giữ, thủ tục thu giữ tài sản phù hợp với các quy định pháp luật, tránh xung đột pháp luật, không khả thi, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật…
Một số ý kiến góp ý đề xuất cần quy định rõ hơn các giải pháp ứng phó kịp thời khi phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe doạ an toàn hệ thống. Bổ sung các quy định liên quan đến việc giải thể, phá sản của các tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh yếu kém; hay bổ sung quy định về giải pháp trong công tác quản lý, điều hành tiền tệ, nhất là việc nắm rõ thực trạng chất lượng tín dụng, tình hình phát sinh nợ xấu, quản lý nợ đọng…
Một số ý kiến cũng tham gia góp ý về nội dung bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; đề xuất bổ sung vào dự thảo nội dung ban đại diện hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện trong cơ cấu tổ chức quản lý hệ thống ngân hàng chính sách xã hội.
Kết luận tại hội nghị, Phó trường đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung tiếp thu các ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh; đồng thời mong muốn các đơn vị tiếp tục nghiên cứu để góp ý thêm từ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra nhiều khó khăn, bất cập và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội hiện nay của đất nước.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng khẳng định: Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị, Đoàn đại biểu sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời sẽ tham gia vào các phiên làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự kiến khai mạc vào ngày 23/10/2023.