ĐO LƯỜNG CẢM NHẬN CỦA CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP
Tháng 7/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025. Ngày 29/9/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 665 về việc “Xây dựng bộ chỉ số và khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022”.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện DDCI tỉnh Nghệ An năm 2022. Đơn vị tư vấn độc lập là Công ty Tư vấn về Quản lý Kinh tế, Economica Vietnam, chịu trách nhiệm xây dựng bộ chỉ số, thực hiện điều tra, xây dựng báo cáo phân tích dữ liệu điều tra và xếp hạng DDCI.
DDCI Nghệ An đo lường cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành kinh tế, quản trị công của các sở, ban, ngành và các địa phương thông qua các một hệ thống các chỉ số và chỉ tiêu, từ đó nhận biết các vấn đề và biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, nhằm thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế.
Bộ Chỉ số DDCI sở, ban, ngành gồm 8 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính; Tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; Chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong của sở, ban, ngành; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Hiệu lực thiết chế.
DDCI sở, ban, ngành chia thành 2 nhóm: Nhóm A gồm 12 đơn vị có đối tượng phục vụ chính là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và số lượng thủ tục hành chính/mức tương tác với các đối tượng này lớn và đáng kể. Nhóm B gồm 11 đơn vị có đối tượng phục vụ chính không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và số lượng thủ tục hành chính/mức tương tác với các đối tượng này ở mức độ thấp hơn.
Theo kết quả DDCI, tại nhóm A, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn đầu bảng xếp hạng với 79,34 điểm; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xếp thứ 2 với 79,03 điểm; Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam xếp thứ 3 với 77,89 điểm và xếp cuối nhóm là Cục Thuế với 75,01 điểm.
Tại nhóm B, Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu bảng xếp hạng với 81,76 điểm; Sở Tư pháp xếp thứ 2 với 81,46 điểm; Sở Văn hoá và Thể thao xếp thứ 3 với 81,10 điểm; xếp cuối nhóm là Sở Khoa học và Công nghệ với 76,48 điểm.
Ở khối địa phương, Bộ Chỉ số DDCI gồm 9 chỉ số thành phần: Gia nhập thị trường, hoạt động cấp phép và thực hiện thủ tục hành chính; Tính minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin; Chi phí thời gian thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ quy định pháp luật; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động và tiên phong; Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; Hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự; Tiếp cận đất đai.
Kết quả, huyện Nghi Lộc dẫn đầu bảng xếp hạng với 85,43 điểm; thị xã Hoàng Mai xếp thứ 2 với 83,46 điểm; huyện Tương Dương xếp thứ 3 với 81,26 điểm. 3 vị trí cuối bảng lần lượt là huyện Quỳ Hợp với 70,14 điểm; huyện Quỳ Châu với 68,67 điểm; huyện Hưng Nguyên với 67,64 điểm.
MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH NGÀY CÀNG ĐƯỢC CẢI THIỆN
Báo cáo của đơn vị tư vấn độc lập chỉ rõ, điểm số DDCI trung bình chung sở, ban, ngành năm 2022 là 78,34 điểm/thang điểm 100, thuộc mức điểm khá. Điểm số này cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã được cải thiện trong những năm vừa qua nhưng chưa đáp ứng đủ kỳ vọng của các cơ sở sản xuất kinh doanh.
DDCI địa phương cho thấy, các hộ kinh doanh hài lòng với mức độ quan tâm của chính quyền địa phương đối với nhu cầu kinh doanh tại tỉnh, với 92,61% số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng đáng kể hoặc vừa phải. Chỉ có hơn 7,39% số hộ kinh doanh đánh giá chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhìn chung không có cải thiện hoặc xấu đi.
Hầu hết các hộ kinh doanh tham gia khảo sát đồng ý rằng chính quyền địa phương đã có sự quan tâm đến các vấn đề phát triển bền vững, bao trùm như xã hội, môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Phản hồi tích cực này là minh chứng cho cam kết của chính quyền cấp địa phương trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện đã được ghi nhận.
DDCI Nghệ An năm 2022 đề cập tới những vấn đề về môi trường, sinh thái, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trong khảo sát; các vấn đề về xã hội, phát triển bền vững; các vấn đề phát triển trong thời kì công nghiệp 4.0, chuyển đổi số… Bộ chỉ số DDCI Nghệ An dựa trên kết quả phân tích những điểm mạnh, những điểm còn hạn chế trong các chỉ số thành phần PCI của tỉnh Nghệ An để xây dựng các chỉ tiêu thích hợp.
Theo đơn vị tư vấn độc lập, DDCI không phản ánh toàn bộ các mặt về mức độ và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của một sở, ban, ngành hay địa phương mà chỉ từ góc độ điều hành, quản trị công liên quan tới doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đóng góp cho môi trường kinh doanh của tỉnh. Cải cách hành chính hay tính tiên phong của lãnh đạo chỉ là những khía cạnh trong nội dung đánh giá bên cạnh tính minh bạch, chi phí không chính thức, hiệu quả thực thi pháp luật…
Kết quả DDCI Nghệ An năm 2022 dựa trên tổng hợp ý kiến của 2.123 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo 2 hình thức điều tra, khảo sát trực tiếp và trực tuyến; trong đó 855 phiếu đánh giá khối sở, ban, ngành và 1.268 phiếu đánh giá khối địa phương.
Đối với sở, ban, ngành, mẫu khảo sát DDCI được lựa chọn trên nguyên tắc đảm bảo bao quát các lĩnh vực chức năng quản lý nhà nước, điều hành kinh tế và dịch vụ công của sở, ban, ngành. Đối với địa phương, phương pháp chọn mẫu DDCI được cân nhắc đến sự khác biệt về địa lý, tình hình kinh tế xã hội, đặc trưng của các địa phương.
Thông qua kết quả DDCI năm 2022, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ có những đánh giá, điều chỉnh thích hợp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng chính là mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, tăng niềm tin vào hệ thống chính quyền và tăng động lực phát triển kinh tế của tỉnh Nghệ An.