Huyện Quỳ Châu được xem là thủ phủ hương trầm của xứ Nghệ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 làng nghề hương trầm bao gồm: Khối 1, khối 2, khối 3, khối Tân Hương 1, khối Tân Hương 2 tại thị trấn Tân Lạc và bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh. Những làng nghề này có hàng chục lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ, cung ứng lượng lớn sản phẩm hương trầm các loại ra thị trường.
Mặc dù vậy, trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, nhiều diện tích cây rễ hương – nguyên liệu chính để làm hương trầm trên địa bàn huyện đã bị ngập úng, ngâm trong nhiều ngày. Sau khi nước rút, nắng lên đã khiến có những gốc hương trầm bị thối rễ, không thể thu hoạch được.
Gia đình anh Lương Văn Hoành, xã Châu Hạnh có 20.000m2 rễ hương mới trồng được 2 tháng, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào cuối năm để nhập cho các làng nghề. Tuy nhiên, trong đợt lũ vừa qua, diện tích bị ngập úng hơn 50% và đã héo rũ, thối rễ. Số còn lại cũng sinh trưởng kém. Vụ này gia đình thất thu.
Cách đó không xa, cơ sở sản xuất hương trầm của chị Phạm Thị Uyên, bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh cũng bị thiệt hại nặng nề. Mức nước dâng cao khiến cho các nguyên liệu làm hương như bột hương, giấy… đều ướt sũng, không thể sản xuất được. Dự kiến gia đình thiệt hại gần 100 triệu đồng.
Thị trấn Tân Lạc có 6 làng nghề hương trầm với hàng trăm lao động, cung cấp lượng lớn hương cho thị trường. Tuy nhiên, sau đợt lũ vừa qua, người làm hương nơi đây đang đối mặt với “khó khăn kép” khi các vật dụng, đồ nghề, nguyên liệu làm hương bị ẩm ướt, hư thối; chưa kể đến giờ nhập nguyên liệu để sản xuất tiếp cũng rất khó vì nhiều diện tích cây rễ hương cũng đã héo rũ.
Bà Trần Thị Loan, chủ cơ sở sản xuất hương trầm tại huyện Quỳ Châu nhớ lại: Trận lụt diễn ra nhanh quá, lại xảy ra lúc 3 – 4 giờ sáng, gia đình trở tay không kịp. Nhà tôi có 2 kho hàng, chứa nguyên liệu để làm hương, khi phát hiện nước dâng, chúng tôi chỉ kịp hô hoán để cứu lấy được 1 kho giấy, bìa cát tông; đối với kho nguyên liệu chứa các loại bột rễ hương, đinh hương, quế, hồi… đều bị ngập trong nước.
“Hương quan trọng nhất là mùi thơm, tuy nhiên khi những nguyên liệu ngâm nước hơn 1 ngày đã bị hư hỏng hoàn toàn, không còn mùi nữa. Nếu sấy khô để làm tiếp thì sản phẩm sẽ không đạt chất lượng, mất uy tín, do đó gia đình đành phải đổ bỏ…” – chị Loan ngậm ngùi.
Hiện nay, các làng nghề, cơ sở sản xuất hương trầm đang tập trung thuê người phơi lại số nguyên liệu còn có thể sử dụng được. Bên cạnh đó, chủ động liên hệ, kết nối với các vùng nguyên liệu rễ hương tại Quỳnh Lưu, Thanh Chương… để đặt hàng với số lượng lớn trong thời gian tới, vì diện tích rễ hương trên địa bàn đã bị xoá sổ nhiều.
Số liệu từ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Quỳ Châu cho biết, trên địa bàn hiện có trên 100ha cây rễ hương, được trồng chủ yếu tại các xã Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Thuận và thị trấn Tân Lạc.
Được biết, huyện Quỳ Châu cũng đã xem việc mở rộng diện tích cây rễ hương là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc tạo nguyên liệu cho các làng nghề cũng như công việc, thu nhập cho đồng bào nơi đây. Đến năm 2025, huyện phấn đấu tăng diện tích cây rễ hương lên 200ha, mặc dù vậy, việc mở rộng diện tích này vẫn gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là sau đợt mưa lũ vừa qua đã khiến vùng nguyên liệu bị ảnh hưởng nặng.