Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có tính chất động lực, trình độ công nghệ cao và dây chuyền sản xuất hiện đại, ít tác động đến môi trường là một trong những định hướng lớn, nhất quán của tỉnh Nghệ An. Cùng với cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh cũng xây dựng các cơ chế để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng vào đầu tư hạ tầng.
Thời cơ đến khi năm 2021, mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng tỉnh đã đón được làn sóng đầu tư FDI mới và đã tạo được chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư. Từ năm 2022 đến nay, ngày càng có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô ngày càng lớn vào Nghệ An.
Vào ngày 20/9/2023 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã trao Giấy chứng nhận đầu tư trị giá 150 triệu USD cho Tập đoàn Sunny dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive quang học Vina. Đây là dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp mô đun camera, màn hình đèn xe thông minh, chiếu sáng thông minh, mô đun chiếu và gia công khuôn, thiết bị lắp ráp và kiểm tra quang điện, thấu kính thủy tinh, thấu kính nhựa… Cùng với đó là lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn WHA và Tập đoàn Sunny với các nhà cung ứng.
Với dự án trên, Nghệ An đã lọt vào tốp 6 các tỉnh có chỉ số thu hút FDI cao nhất cả nước 9 tháng đầu năm 2023, tăng 2 bậc và lần đầu tiên cán mốc 1,272 tỷ USD chỉ sau 9 tháng. Không những thế, Nghệ An còn tiến thêm một bước vươn để lên trở thành trung tâm sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện tử thông minh của cả nước.
Ông Lê Tiến Trị – Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam chia sẻ: Kết quả trên đây là nỗ lực của tỉnh trong thời gian dài gồm chuẩn bị kỹ về điều kiện hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại để phục vụ phát triển bền vững. Chỉ số trên cũng là sự ghi nhận khách quan của nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI về cải thiện môi trường đầu tư tại Nghệ An.
Trên thực tế, cách đây gần 10 năm, Nghệ An đã là một trong những địa chỉ tin cậy của giới đầu tư FDI khi từ năm 2012, Tập đoàn điện tử BSE (Hàn Quốc) đã thuê 5,7 ha đất tại KCN Nam Cấm và đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy gia công, lắp đặt các thiết bị điện tử, công suất 250 triệu sản phẩm/năm. Cũng trong năm 2012, Tập đoàn Em-Tech (Hàn Quốc) đã thuê nhà xưởng và tuyển 3.000 công nhân lắp ráp loa điện thoại tại khối 2, phường Vinh Tân và sau một thời gian đầu tư, tập đoàn này đã quyết định đầu tư cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An và nâng công suất lên gấp 3, sử dụng gần 9.000 công nhân.
Đến năm 2022, cùng với sự chuẩn bị tốt điều kiện về hạ tầng và môi trường đầu tư thông thoáng, Nghệ An đã trở thành địa chỉ lựa chọn của các nhà đầu tư FDI, khi lần lượt được các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Luxshare-ICT; Goertek Vina; Everwin Precision Việt Nam, Foxconn- đối tác hàng đầu của Apple, Tập đoàn Ju Teng (Đài Loan) đã vào Nghệ An đầu tư, bình quân mỗi dự án từ 100 đến 200 triệu USD và nếu mở rộng giai đoạn 2 có thể lên tới 500 triệu USD.
Vào tháng 6 vừa qua, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam cũng vừa trao Giấy chứng nhận đầu tư trị giá 293 triệu USD cho Tập đoàn Khoa học, kỹ thuật năng lượng mới Runergy chuyên sản xuất thanh silic và đĩa bán dẫn đến từ Trung Quốc.
Điều đáng mừng trong thu hút FDI tại Nghệ An vài năm gần đây là cùng thu hút được các Tập đoàn lớn, thông qua kết nối, đã có doanh nghiệp phụ trợ, vệ tinh là đối tác đi kèm tạo thành hệ sinh thái, chuỗi cung ứng cho nhau.
Đại diện Sở Công Thương cho hay: Với tổng công suất sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị thông minh mỗi năm lên tới hàng trăm triệu sản phẩm, sử dụng hàng chục ngàn lao động, các dự án FDI trên lĩnh vực điện tử, linh kiện thông minh đã góp phần đưa giá trị sản xuất của ngành công nghiệp Nghệ An tăng vượt bậc. Năm 2022 vừa qua đạt trên 7.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 112,7%, trong đó, công nghiệp điện tử tăng 205,87%, là một trong những lĩnh vực có tăng trưởng ấn tượng nhất.
9 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã thu hút được 1,272 tỷ USD vốn đầu tư FDI, trong đó, 14 dự án cấp mới, với 1,015 tỷ USD và 7 dự án điều chỉnh tăng quy mô, với số vốn 256,79 triệu USD. Lũy kế vốn trước đến nay, Nghệ An thu hút được 145 dự án FDI (còn hiệu lực), với tổng số vốn là 3,874 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư vào lĩnh vực điện tử, thiết bị thông minh chiếm trên 50%.
Khó khăn đặt ra hiện nay là công tác tuyển dụng lao động. Khảo sát của Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, từ nay đến năm 2025, các KCN trong Khu Kinh tế Đông Nam cần khoảng 45.000 lao động và đến năm 2030 cần khoảng 90.000 lao động làm việc tại các KCN. Với 1,6 triệu lao động, mỗi năm Nghệ An có thêm khoảng 45.000 lao động trẻ gia nhập thị trường. Các nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh và các trường nghề để tiếp nhận số lao động này hàng năm; đồng thời thu hút thêm các lao động có tay nghề từ địa phương khác về làm việc.