Quyết định có những nội dung cơ bản, đáng chú ý sau:
+ Quan điểm phát triển: Phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh thời kỳ này và định hướng phải phù hợp với Chiến lược phát triển VLXD quốc gia, Quy hoạch tỉnh cùng thời kỳ và các quy hoạch khác có liên quan; khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, danh thắng…
Đa dạng hóa hình thức đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành công nghiệp VLXD trên địa bàn, đặc biệt là các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại của nhà đầu tư nước ngoài, chú trọng đầu tư phát triển một số chủng loại VLXD có chất lượng và giá trị kinh tế cao; phân bổ đồng đều mạng lưới cơ sở khai thác, sản xuất VLXD trên địa bàn, phù hợp với nguyên, vật liệu hiện có; khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản làm VLXD đảm bảo cân đối cung – cầu; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại VLXD có giá trị kinh tế cao…
(Trích Quyết định 3089/QĐ-UBND)
+ Đối tượng VLXD cụ thể gồm: xi măng, gạch ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch đất sét nung, vật liệu không nung; vật liệu lợp, đá xây dựng; cát, sỏi xây dựng; vật liệu san lấp; bê tông; các loại vật liệu hữu cơ, vật liệu thay thế khác được sử dụng làm VLXD trên địa bàn Nghệ An.
+ Mục tiêu tổng quát là tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm VLXD có thế mạnh của tỉnh, nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm VLXD mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đưa công nghệ tiến tiến hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; phát triển VLXD đảm bảo nguồn vật liệu cho xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu đối với những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành VLXD trong nền kinh tế của tỉnh; loại bỏ công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
+ Mục tiêu cụ thể về đầu tư, công nghệ, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, sản phẩm và xuất khẩu. Theo từng loại VLXD và tùy từng giai đoạn mà UBND tỉnh có quy định riêng về công suất, định mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tiêu chuẩn công nghệ và sản phẩm tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.
Cụ thể, đối với xi măng, hạn chế đầu tư mới các dự án sản xuất xi măng; từ nay đến năm 2030 duy trì tổng năng lực sản xuất xi măng trên địa bàn đạt từ 13,6 đến 14 triệu tấn; các nhà máy xi măng có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clanhke/ngày, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng lớn thì phải đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ…; tương tự, đối với các loại gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, kính xây dựng và sản phẩm sau kính, gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, vật liệu lợp, cát xây dựng, đá xây dựng, vật liệu san lấp, bê tông, vôi công nghiệp, sứ vệ sinh, một số chủng loại vật liệu xây dựng khác như vữa khô trộn sẵn, gạch Terrazzo, tấm thạch cao, tấm panel- 3D cũng có quy định cụ thể tương ứng.
+ Kế hoạch, giải pháp: Theo văn bản, UBND tỉnh đề ra từng nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển thị trường, tiêu thụ; khai thác hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp về nhân lực, môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển vật liệu xây dựng.
Tại văn bản trên, UBND tỉnh giao các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải; Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, các sở, ban, ngành khác và UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất VLXD, khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD nắm vững các quy định và định hướng trên để thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo về Sở Xây dựng để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh theo quy định./.