Sáng 21/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang đồng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự phiên họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
NHIỀU MÂU THUẪN, CHỒNG CHÉO, BẤT CẬP
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội khóa XV.
Tổ công tác đã tổng hợp, phân loại thành 24 phụ lục tương ứng với 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát tại Nghị quyết số 101/2023, gồm 22 lĩnh vực trọng tâm, 1 nhóm lĩnh vực pháp luật khác và 1 nhóm lĩnh vực đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, doanh nghiệp kiến nghị.
Tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 397 văn bản, gồm: 60 luật, nghị quyết của Quốc hội; 139 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 198 văn bản khác do các cơ quan Trung ương ban hành.
Dự thảo báo cáo của Chính phủ đã tổng hợp, phân loại kiến nghị phản ánh của các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, vướng mắc của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều nội dung vướng mắc, bất cập đã được nhận diện, sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc đưa vào quy trình sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, được phát hiện qua rà soát và phương án đề xuất xử lý sau rà soát còn chung chung, không rõ ràng, không cụ thể; vấn đề được cho là vướng mắc, bất cập thực chất là do cách hiểu và áp dụng pháp luật, không phải do quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo của Chính phủ về rà soát theo Nghị quyết 101/2023 của Quốc hội và các Phụ lục kết quả rà soát kèm theo tương đương với từng lĩnh vực yêu cầu tại Nghị quyết 101.
CHỈ RÕ CHỦ THỂ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG TRONG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
Đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát hệ thống pháp luật hiện hành mà trọng tâm là 22 lĩnh vực nêu tại Nghị quyết 101 của Quốc hội và các lĩnh vực khác, trong đó phát hiện 140 bất cập, vướng mắc trong 79 văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và 4 khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cần bổ sung.
Nhấn mạnh dự thảo báo cáo của Chính phủ đã được tổng hợp đầy đủ, toàn diện, song Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, để làm rõ hơn các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân thì dự thảo cần nhóm các vấn đề tồn tại, hạn chế theo 4 nhóm: Tình trạng các quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột nhau; Tình trạng các quy định pháp luật bất cập so với thực tiễn; Tình trạng một số quy định pháp luật thiếu tính ổn định và tình trạng số lượng văn bản dưới luật còn nhiều làm cho hệ thống pháp luật cồng kềnh…
Về nguyên nhân của tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật, cần làm rõ hơn nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan như do năng lực cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, thẩm định; do quy trình xây dựng pháp luật…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cũng đề nghị chỉ ra từng chủ thể thực hiện các nội dung trong nhiệm vụ, giải pháp tại dự thảo báo cáo. Ngoài ra, Nghệ An đề nghị bổ sung thêm 4 nhiệm vụ để Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành quan tâm xem xét.
Thứ nhất, cần có giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, trong đó có vai trò chủ đạo của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong xây dựng, ban hành, rà soát, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như các nhiệm vụ công tác pháp chế khác để kịp thời giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu đẩy mạnh và cụ thể hơn nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật và đặc biệt việc tiếp nhận thông tin từ báo chí, dư luận xã hội đối với các quy định pháp luật, từ đó kịp thời hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành, áp dụng pháp luật.
Thứ ba, đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định số 55 ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để các bộ ngành, địa phương có cơ sở kiện toàn bộ máy và bố trí đủ biên chế cho các tổ chức pháp chế mà vẫn phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng.
Thứ tư, đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo chặt chẽ, thực chất; khắc phục triệt để các hạn chế, tồn tại về quy trình, thủ tục trong dự thảo báo cáo.
TẬP TRUNG HOÀN THIỆN BÁO CÁO, TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là công việc khó, phức tạp vì liên quan đến đa ngành, đa lĩnh vực, trong khi thời gian yêu cầu nhanh. Dự thảo báo cáo của Chính phủ đã được tổng hợp cơ bản đầy đủ, toàn diện, cụ thể, song Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cần tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung báo cáo là phát hiện, đánh giá các bất cập, vướng mắc, chồng chéo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, Tổ công tác cần tiếp tục rà soát trong 22 lĩnh vực trọng tâm, qua đó đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định.
Tổ công tác cần tập trung đánh giá, rà soát vào những nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn, cản trở của sự phát triển, gây lãng phí cho xã hội, kẻ hở cho các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó đề xuất các kiến nghị, đề xuất để sửa đổi, bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, Tổ công tác phải phối hợp với các bộ, ngành liên quan đảm bảo thời gian hoàn thiện báo cáo theo quy định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng yêu cầu, nội dung vướng mắc, bất cập trong các thông tư của các bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó phải khẩn trương sửa đổi, tháo gỡ. Chính phủ sẽ tiếp tục bổ sung các nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.