Sáng 8/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ nhất, Tổ công tác cải cách hành chính của Chính phủ. Đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì hội nghị.
Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt
Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Tổ trưởng Tổ công tác là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Tổ phó Tổ công tác gồm: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (Tổ phó Thường trực); Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; lãnh đạo Bộ Công an.
Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao việc Chính phủ thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Các đại biểu đã chia sẻ những kết quả, cách làm hay trong cải cách thủ tục hành chính; đồng thời, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong công tác cải cách hành chính.
Một số ý kiến cho rằng, cần có cơ chế ràng buộc giữa cán bộ, công chức thực thi công vụ với doanh nghiệp; có cơ chế để cán bộ, công chức cơ sở dám nghĩ, dám làm, đồng hành với doanh nghiệp; các bộ, ngành, địa phương cần rà soát tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, gắn với phân cấp, ủy quyền; khơi thông các điểm nghẽn, nâng cao dịch vụ công trực tuyến thực chất hơn, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ; bổ sung bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính,…
Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Nghệ An luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác cải cách hành chính, trong đó, đặc biệt là kiểm soát quy định thủ tục hành chính đã được quan tâm chú trọng và đạt được một số kết quả nổi bật.
Đến nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết đã được công khai trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trước và đúng hạn đạt tỷ lệ cao 97,61% (cấp tỉnh đạt tỷ lệ 97,07%; cấp huyện đạt tỷ lệ 96,97%; cấp xã đạt tỷ lệ 98,8%).
Các ngành, các cấp tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Phó Chủ tịch UBND Nghệ An kiến nghị các bộ, ngành Trung ương rà soát, tham mưu cho Chính phủ để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính, quy định thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp pháp, hợp lý và phân cấp việc giải quyết thủ tục hành chính cho bộ, ngành, địa phương theo phương án đã phê duyệt.
Đặc biệt, đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp Hà Nội và tỉnh Nghệ An theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 2/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Các Bộ: Tư pháp, Lao động – Thương binh và Xã hội dừng việc in ấn, phát hành các phôi, biểu mẫu như: Lý lịch tư pháp; bản sao Mẫu biểu hộ tịch; Giấy phép lao động… làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, gây lãng phí; các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Y tế phối hợp với tỉnh để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các phần mềm chuyên ngành và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, giải quyết và phục vụ theo dõi, giám sát đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.
Đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm tham mưu ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan ngành dọc.
Thực hiện phân cấp, phân quyền
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực quyết liệt trong công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao điểm mới của Tổ công tác, đó là giao nhiệm vụ hết sức cụ thể, có định lượng về thời gian cho các bộ, ngành, địa phương và phân công phần việc cụ thể cho từng thành viên.
Nhấn mạnh vai trò người đứng đầu tạo sự chuyển biến trong công tác cải cách hành chính, đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa và xem công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương mình.
Phân tích nguyên nhân chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phân cấp mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác cải cách hành chính.
“Việc cắt giảm thủ tục hành chính không phải cắt giảm máy móc mà cần phải đáp ứng 2 yêu cầu, đó là: phải kiểm soát được tình hình, thực hiện được công tác quản lý Nhà nước và thực sự tạo được sự thuận tiện hơn cho người dân, doanh nghiệp”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh công tác cải cách hành chính sẽ được đưa vào kết quả đánh giá cuối năm của các bộ, ngành, địa phương và những người đứng đầu.