Sáng 28/8, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia của Chính phủ tổ chức phiên họp trực tuyến với các địa phương trong cả nước về sơ kết tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục mục tiêu Quốc gia chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Hầu A Lềnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tập trung triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững) giai đoạn 2021 – 2025, các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương đã tích cực xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý, hướng dẫn tổ chức thực hiện, ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn chương trình, cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn; tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát; thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kết quả phân bổ, huy động và sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu, kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được cấp có thẩm quyền thông qua là 102.050 tỷ đồng (bao gồm: 100.000 tỷ đồng vốn trong nước, 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài).
Đến hết hết tháng 7/2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã phân bổ, giao dự toán, kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.
Về kết quả giải ngân vốn: Đối với kế hoạch vốn của năm 2021: Theo báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, tổng kinh phí sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2021 đã giải ngân là 1.078 tỷ đồng, đạt 88,95% kế hoạch.
Đối với kế hoạch vốn của năm 2022: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 31/1/2023, giải ngân vốn năm 2022 được khoảng 14.468,011 tỷ đồng, đạt 42,49% kế hoạch (trong đó: vốn đầu tư phát triển khoảng 12.933,106 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch; kinh phí sự nghiệp khoảng 1.534,35 tỷ đồng, đạt 7,82%).
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến 31 tháng 8 năm 2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài khoảng 6.225,657 tỷ đồng, đạt khoảng 58,47% kế hoạch vốn kéo dài (tính tổng vốn kế hoạch của năm 2022 đã giải ngân trong năm 2022 và trong 8 năm 2023 khoảng 19.158,763 tỷ đồng, đạt 79,82% kế hoạch năm 2022).
Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cấp có thẩm quyền đề ra đối với các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Tại Nghệ An, quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện kịp thời, tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản để triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định.
Tỉnh đã hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, cụ thể: toàn tỉnh có 309 xã/411 xã đạt chuẩn NTM (đạt 75,18%), 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 17,15% xã NTM), 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,39%, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3,63%.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 và Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 là 5.344,388 tỷ đồng. Hiện nay, HĐND tỉnh Nghệ An đã phân bổ số vốn 4.931,108 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.
Kết quả thực hiện giải ngân kế hoạch vốn hàng năm: Tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 và năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao là 2.476,294 tỷ đồng. Đến ngày 20/8/2023 lũy kế số đã giải ngân 967,205 tỷ đồng, đạt 39,05%KH.
Vốn sự nghiệp: Tổng kế hoạch vốn sự nghiệp năm 2022 và năm 2023 của 3 chương trình mục tiêu quốc gia được giao là 1.715,077 tỷ đồng. Đến ngày 20/8/2023 lũy kế đã giải ngân 209,937 tỷ đồng, đạt 12,24%KH.
Các địa phương trong cả nước cần trách nhiệm và quyết liệt hơn
Kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia của các địa phương trong cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá, kết quả việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có chuyển biến tích cực, song vẫn còn tồn tại hạn chế, nhất là một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa hoàn thành nhiệm vụ theo phân cấp được giao; các dự án cơ bản vẫn theo mô hình cũ manh mún, nhỏ lẻ; quy trình thủ tục rườm rà.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã giải trình làm rõ 6 nội dung chính của các địa phương đề xuất kiến nghị liên quan.
Cụ thể, Chính phủ cần có cơ chế không bắt buộc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm cho các dự án quy mô nhỏ và kỹ thuật không phức tạp; cần có cơ chế phê duyệt dự án chỉ cần phù hợp với nội dung đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.
Chính phủ cần có cơ chế chi dự toán thường xuyên hàng năm theo từng chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương; cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư công ngân sách nhà nước ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện một số nội dung chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phân cấp cho UBND tỉnh quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh; cơ chế linh hoạt thủ tục đơn giản để thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất.
Định hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần trách nhiệm và quyết liệt hơn trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các địa phương cần nghiên cứu các văn bản mới để nghiên cứu, triển khai và qua quá trình triển khai để kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đề xuất sửa đổi. Tinh thần là các địa phương phải chủ động triển khai, lồng ghép các nguồn vốn của địa phương trong triển khai phát huy hiệu quả các công trình, dự án.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt nhất báo cáo với đoàn giám sát của Quốc hội.
“Đây là cơ hội bằng “kim cương” để tháo gỡ khó khăn những vướng mắc liên liên quan đến Luật bằng các Nghị quyết để thuận lợi trong việc giải ngân vốn sự nghiệp trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Đồng chí Trần Lưu Quang cũng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp các kiến nghị gửi các cơ quan bộ, ngành cho ý kiến.
Với kiến nghị của các địa phương về những vướng mắc liên quan đến các Luật trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ sẽ tiếp thu, kiến nghị để Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi.