Đồng chí Thái Thị An Chung – Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An chủ trì cuộc làm việc.
Tham gia cuộc làm việc có các đại biểu Quốc hội: Võ Thị Minh Sinh – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Trần Nhật Minh – đại biểu Quốc hội chuyên trách; Hoàng Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.
Một số chính sách chưa được triển khai
Nghị quyết số 36 của Quốc hội quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An liên quan lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước có 3 nhóm chính sách.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, sau khi nghị quyết ban hành, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh và tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị để triển khai.
Trong 3 nhóm chính sách theo nghị quyết, đến thời điểm này, tỉnh đã triển khai được 2 nhóm chính sách về vốn vay và chính sách phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số.
Có cơ chế chính sách vay, tỉnh đã thực hiện quy trình thủ tục triển khai 4 khoản vay lại Chính phủ từ vốn vay nước ngoài với hơn 2.019 tỷ đồng để thực hiện 4 dự án.
Bao gồm: Dự án Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh; Dự án Phát triển thủy sản bền vững tỉnh Nghệ An; Dự án Nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An; Dự án Nâng cấp, sửa chữa hệ thống trạm bơm dọc sông Lam, tỉnh Nghệ An thích ứng với biến đổi khí hậu.
Riêng chính sách ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An từ số tăng thu hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa chưa thực hiện được, bởi thu ngân sách nhà nước qua hoạt động xuất, nhập khẩu tại Cục Hải quan tỉnh Nghệ An từ năm 2021 đến nay có chiều hướng giảm.
Mặt khác, trong nhóm chính sách vay, hiện khoản vay thông qua phát hành trái phiếu, chính quyền địa phương cũng chưa thực hiện.
Theo khẳng định của Sở Tài chính, việc bổ sung cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách theo Nghị quyết 36 của Quốc hội đã tạo thêm nguồn lực và sự chủ động cho tỉnh Nghệ An thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Trên cơ sở nghiên cứu các cơ sở pháp lý và thực tiễn quản lý tài chính, ngân sách cũng như yêu cầu phát triển của tỉnh, Sở Tài chính cũng đề xuất Trung ương nghiên cứu bổ sung thêm 3 nhóm cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh.
Cụ thể, phân cấp cho tỉnh quyết định việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để thực hiện các công trình, dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới cơ sở vật chất, công trình; xây dựng mới các hạng mục có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng; cho phép tỉnh được hưởng 70% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh; cho phép tỉnh thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn.
Liên quan đến lĩnh vực quy hoạch theo Nghị quyết số 36 của Quốc hội, tỉnh được phân cấp điều chỉnh cục bộ các quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Triển khai nghị quyết này, thời gian qua, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng các địa phương để thực hiện điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Vinh; Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam và Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc phân cấp cho tỉnh trong lĩnh vực quy hoạch tạo chủ động trong điều chỉnh, rút ngắn thời gian, thủ tục cho các đơn vị. Đây được coi là bước đột phá về cải cách hành chính.
Tiếp tục nghiên cứu đề xuất Trung ương bổ sung một số chính sách
Trên cơ sở báo cáo của 2 sở và ý kiến tham gia các thành viên đoàn giám sát, thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận sự chủ động, tích cực của các đơn vị trong quá trình tham mưu, trình dự thảo nghị quyết và triển khai thực hiện nghị quyết sau khi ban hành.
Tiếp thu các kiến nghị, phản ánh từ các sở, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị 2 sở tiếp tục nghiên cứu trên cơ sở pháp lý và thực tiễn để đề xuất Trung ương bổ sung thêm chính sách cho tỉnh; đồng thời phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trong quá trình thực hiện sơ kết nghị quyết và đề xuất ban hành nghị quyết mới hoặc sửa đổi, bổ sung nghị quyết.
Cùng với đó, đề nghị Sở Tài chính tiếp tục bám sát các bộ, ngành Trung ương để hoàn thành các thủ tục vay vốn và sau khi được chấp thuận, quan tâm giải ngân vốn.
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, bên cạnh thu hút các dự án lớn đầu tư, thì ngành Hải quan cần quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để tăng nguồn thu, đảm bảo cơ chế, chính sách của Quốc hội về nội dung này được thực hiện.
Đối với Sở Xây dựng, ngoài 3 dự án đã được điều chỉnh, thì cần tiến hành rà soát lại các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để có sự chủ động điều chỉnh theo uỷ quyền.