Sáng 15/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai Đề án sản xuất, trồng trọt vụ đông, công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật cuối năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Sản xuất đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Hội nghị đánh giá, năm nay, sản xuất vụ đông có yếu tố thuận lợi khi một số diện tích vụ hè thu – mùa không sản xuất được do thiếu nước, tạo điều kiện để bà con gieo trồng sớm và mở rộng diện tích.
Tuy nhiên, cần có các giải pháp chủ động để đối phó với những khó khăn rất đặc trưng về thời tiết. Hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, mưa đá giai đoạn chuyển mùa trùng thời điểm gieo trồng, nguy cơ cao gây thiệt hại cho sản xuất. Lao động thiếu, trong khi cơ giới hóa khâu làm đất trên đất lúa còn hạn chế. Nguy cơ chuột, sâu bệnh; khả năng tiêu thoát nước chưa đảm bảo, đầu ra sản phẩm không ổn định vẫn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất và nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt và tương xứng với tiềm năng.
Vụ đông năm nay, trên cơ sở những khó khăn và thuận lợi, Nghệ An phấn đấu sản xuất đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng, với phương châm sản xuất an toàn và phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hiệu quả kinh tế cao, gia tăng giá trị sản xuất.
Trong đó, mở rộng diện tích cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị và ổn định sản xuất.
Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 35.185 ha cây trồng vụ đông các loại (19.500 ha ngô; 1.400 ha lạc; 12.600 ha rau, đậu các loại; gần 1.700 ha khoai lang, khoai tây). Trong đó, diện tích trên đất bãi ven sông khoảng 7.765 ha, diện tích đất màu ven biển khoảng 4.518 ha, diện tích trên đất lúa 2.850 ha và diện tích trên đất màu đồng khoảng 20.052 ha. Sản lượng đạt 425.770 tấn.
Đặc biệt quan tâm vấn đề tiêu thoát nước
Để đạt mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp đã bố trí các vùng sản xuất phù hợp trên cơ sở lợi thế từng vùng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và trình độ thâm canh của các địa phương. Các giải pháp về kỹ thuật như bố trí cơ cấu giống và thời vụ, chăm sóc, công tác bảo vệ thực vật, tưới tiêu… được xây dựng cụ thể, phù hợp điều kiện từng vùng đất.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Sản xuất vụ đông bên cạnh các yếu tố khác, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiêu thoát nước, bảo vệ cây trồng. Các địa phương phải tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương, công trình, thiết bị cơ điện, nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm, đảm bảo 100% các máy và công trình đều vận hành tốt phục vụ sản xuất. Có phương án chủ động ứng phó khi xảy ra mưa lớn, lũ gây ngập úng, trong đó, cần quan tâm cây rau, lạc và một số vùng ngô trên đất 2 lúa trong mùa mưa bão.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất và các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ trên rau, củ, quả các loại ; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quản lý tốt chất lượng vật tư nông nghiệp, thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước để khuyến khích phong trào sản xuất vụ đông.
Ngoài chính sách của tỉnh, đề nghị các huyện, thành, thị chủ động trích ngân sách địa phương, khai thác tối đa mọi nguồn lực để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là mở rộng mô hình có hiệu quả tại địa phương
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong những tháng cuối năm.
Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của cả nước, với đa dạng các loại vật nuôi. Các kiến nghị của ngành về bố trí kinh phí thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi và các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; khôi phục hệ thống trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT trình tỉnh xem xét, xử lý sớm.
Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để nông dân trồng ngô, rau màu các loại trên đất lúa và trồng khoai tây có liên kết, bao tiêu sản phẩm trong vụ đông năm 2023. Với các mức hỗ trợ gồm:
1-Hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/ha tiền mua giống ngô, rau màu các loại trên đất lúa.
1. Hỗ trợ tối đa 10.000.000 đồng/ha tiền mua giống khoai tây có hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm.
Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến cả 02 nội dung trên là 6.552 triệu đồng (Sáu tỷ, năm trăm, năm mươi hai triệu đồng). Hình thức hỗ trợ bằng tiền để nông dân trực tiếp mua giống.