Theo đó, ngày 28/6/2023, Đoàn Giám sát – Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Báo cáo số 168/BC-ĐGS về kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về “Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2022”. Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế về công tác cải cách hành chính của tỉnh trong giai đoạn 2020-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Mục đích của kế hoạch nhằm đề ra các giải pháp nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC trên địa bàn tỉnh theo Báo cáo số 168/BC-ĐGS ngày 28/6/2023 của Thường trực HĐND tỉnh về “Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2022”; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành và cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác CCHC; Khắc phục những nút thắt, điểm nghẽn trong công tác CCHC tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấn chỉnh khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế được chỉ ra tại Báo cáo số 168/BC- ĐGS ngày 28/6/2023 của Thường trực HĐND tỉnh về “Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2022”.
Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:
1. Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính
– Tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC, đối với các cơ quan, đơn vị còn tình trạng giao cấp phó phụ trách công tác CCHC khẩn trương phân công lại nhiệm vụ để đúng với tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 08/CT-UBND tỉnh ngày 04/02/2021; thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương; Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 05/5/2023 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tại Phiên họp thứ tư ngày 19/4/2023;
– Đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp nhịp nhàng, có trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền CCHC;
– Đề cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ các nội dung trong công tác CCHC, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo những sáng kiến hay, cách làm mới trong công tác CCHC;
– Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ CCHC; rà soát, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
2. Cải cách thể chế
– Nâng cao chất lượng tham mưu xây dựng, ban hành văn bản QPPL, đảm bảo chất lượng đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn; bố trí nguồn lực đầy đủ để thực hiện văn bản QPPL sau khi ban hành;
– Thường xuyên kiểm tra, rà soát và xử lý văn bản QPPL để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Xử lý kịp thời các văn bản QPPL trái thẩm quyền, trái quy định của pháp luật, sai sót thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Đảm bảo đúng quy trình việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL theo quy định của pháp luật.
3. Cải cách thủ tục hành chính
– Thực hiện công khai đầy đủ, kịp thời các TTHC đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố, đảm bảo 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được công khai đầy đủ, đúng quy định tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC, trên Cổng/Trang Thông tin điện tử (TTĐT) của các cơ quan, đơn vị, địa phương;
– Tiếp tục rà soát, đánh giá TTHC, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các TTHC không cần thiết, không hợp pháp và không hợp lý; cắt giảm đơn giản hóa thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết TTHC, tập trung một số lĩnh vực trọng tâm: Đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên và môi trường, thuế, hải quan, y tế… nhất là TTHC liên quan liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường các biện pháp hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn cho tổ chức, cá nhân trong giải quyết TTHC;
– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các giải pháp để tăng tỷ lệ nộp hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến;
– Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và chất lượng việc tuân thủ, áp dụng TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan, địa phương; quan tâm bố trí nguồn lực phục vụ cho công tác cải cách TTHC tại cơ quan, đơn vị.
4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước
– Rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành kịp thời quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước theo Nghị định Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương gắn với việc thực hiện Đề án, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của các cơ quan, đơn vị đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt;
– Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp, đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra sau phân công, phân cấp.
5. Cải cách chế độ công vụ, công chức
– Thực hiện nghiêm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức. Bố trí công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt;
– Tăng cường các hoạt động kiểm tra nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về chuẩn mực xử sự, thái độ giao tiếp ứng xử, nội quy, giờ giấc làm việc. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm đạo đức công vụ;
– Chỉ đạo tổ chức triển khai bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm đã được phê duyệt theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;
– Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ. Đối với các đơn vị thực hiện chính sách tinh giản biên chế còn chậm tiến độ cần khẩn trương nhanh chóng hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
6. Cải cách tài chính công
– Thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học – công nghệ công lập theo các quy định của Chính phủ;
– Đảm bảo kịp thời tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều ngành, địa phương, đơn vị theo quy định;
– Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách đối với các cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính tại cơ quan hành chính các cấp ở địa phương.
7. Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số
– Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả việc chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo kế hoạch đã ban hành;
– Tiếp tục triển khai kiến trúc chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ, nhiệm vụ đảm bảo tính đồng bộ ở các cấp trong năm 2023;
– Tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ việc ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan, đơn vị.