Công văn nêu rõ, thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng còn diễn biến và tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là đối với loại hình hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thời gian gần đây tại một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người, làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT và gây lo lắng trong nhân dân.
Trong khi đó, công tác PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, công tác rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC chưa thực sự hiệu quả, còn bỏ sót, lọt nhiều nhà thuộc diện nhưng không nằm trong danh sách rà soát, xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC (điển hình như các huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò, TX. Hoàng Mai…); nhiều Tổ liên gia mặc dù đã được triển khai xây dựng nhưng còn hình thức, chưa bảo đảm phù hợp và phát huy được hiệu quả thực tế. Việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC tại khu dân cư kết quả còn hạn chế. Việc tuyên truyền, vận động hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy còn rất thấp so với yêu cầu của Chính phủ, UBND tỉnh giao…
Trước tình hình trên, để tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời, để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục bám sát và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 01/02/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; định kỳ thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định.
Tổ chức phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và toàn thể Nhân dân trên địa bàn; trong đó, yêu cầu nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong cơ quan, đơn vị, gương mẫu đi đầu trong thực hiện việc tự trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình mình sinh sống; phấn đấu đến 30/9/2023, 100% hộ gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang trong hệ thống cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh có bình chữa cháy.
Ngoài ra, chủ động huy động nguồn lực, xã hội hóa việc trang bị bình chữa cháy và phối hợp với các các địa phương tổ chức cấp phát đến các hộ gia đình còn khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn.
Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy công cộng (nhất là các địa phương tập trung đông dân cư, nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh như thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai; các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương …). Việc xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng phải đảm bảo thiết thực, giúp người dân hiểu, nắm rõ ý nghĩa, mục đích, nắm vững tính năng, tác dụng của các thiết bị PCCC được lắp đặt để trang bị đúng, đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã tiếp tục tham mưu UBND cùng cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP; đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn vững mạnh theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó, tập trung hoàn thành các chỉ tiêu đã được Chính phủ, Bộ Công an giao.
Cụ thể: Trước 30/9/2023 có 50% hộ gia đình có bình chữa cháy, phấn đấu đến ngày 31/12/2023 đạt 100% nhà ở hộ gia đình trên địa bàn có bình chữa cháy; (2) Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về PCCC và CNCH tại khu dân cư đảm bảo trước ngày 30/9/2023 có 50% hộ gia đình có ít nhất 01 người được tuyên truyền, tập huấn và đến 31/12/2023 hoàn thành đối với 100% hộ gia đình trên địa bàn…
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An theo chức năng chủ trì, phối hợp Công an tỉnh tăng cường xây dựng, đăng tải các phóng sự, tin, bài tuyên truyền về PCCC và CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng ứng dụng của mạng internet (Zalo, Facebook…); trong đó, chú trọng vào các các nội dung mang tính thời sự, các phong trào PCCC nổi bật để thu hút được sự theo dõi, hưởng ứng của đông đảo người dân trên địa bàn, như: Các vụ cháy, nổ nghiêm trọng, nguyên nhân và cách phòng ngừa cháy, nổ tại hộ gia đình; Phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” để tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy tại nhà; Phong trào tham gia Tổ liên gia an toàn PCCC, Điểm chữa cháy…
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 01/02/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.
Phối hợp tổ chức phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, hội viên, đoàn viên và toàn thể Nhân dân trên địa bàn…
UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong công tác PCCC&CNCH tại địa bàn theo phân công, phân cấp; gắn chặt trách nhiệm của các đơn vị, địa phương liên quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm thực hiện có chất lượng, đúng tiến độ được giao…