Những người làm báo và thân nhân các nhà báo liệt sĩ cả nước chưa thể quên vào dịp tháng Bảy, năm Canh Tý thiêng liêng, hệ thống truyền thông quốc gia gần như cùng thời khắc đưa tin, đăng bài, ảnh đại lễ cầu siêu tại Chùa Da (thành phố Vinh, Nghệ An) cho hơn 500 nhà báo liệt sĩ, trong đó có 6 nhà báo quê Nghệ An hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế cao cả với đất nước Triệu Voi và xứ sở Chùa Vàng.
Sự kiện mang đậm giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam nghìn đời “Uống nước nhớ nguồn”; “Ăn quả biết ơn người trồng cây” được tổ chức trang nghiêm tại Chùa Âu Lạc (Chùa Da) ngôi chùa có gần 400 năm tuổi, tọa lạc tại xóm Hòa Tiến, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vào ngày 27 tháng 7 năm 2020 gây dấu ấn khó phai mờ. Tháng Bảy, ngày Rằm, trong tâm tưởng của mọi người còn mang nặng đạo lý nhớ ơn Tổ tiên, người thân đã khuất.
Ý tưởng nhân văn của nhà chùa được Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An hoan hỉ chia sẻ cả nội dung, hình thức hành lễ theo nghi thức phù hợp với tình cảm, nguyện vọng của nhiều cơ quan báo chí, Trung ương, địa phương và phật tử quanh Thành phố Vinh. Ngay tên gọi “Lễ cầu siêu các nhà báo liệt sĩ cách mạng” đã mang ý nghĩa bảo đảm nhiệt tâm và trách nhiệm tham dự của đại diện văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố Vinh, Báo Nghệ An, Hội Nhà báo Nghệ An, đại diện Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Hưng Lộc, nhân dân xóm Hòa Tiến, Giám đốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn và đông đảo đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Mắt Sài Gòn, Đài Phát thanh truyền hình Nghệ An… Các cơ quan báo chí đều cử đến “Lễ cầu siêu nhà báo liệt sĩ cách mạng” những phóng viên có năng lực, có tâm huyết nhất tác nghiệp nhanh nhất, công bố sớm nhất những bài viết gây ảnh hưởng xúc động nhất về một hoạt động tri ân thế hệ làm báo oanh liệt trong gian nan, khốc liệt thời chiến tranh.
Liệt sĩ chống Pháp đầu tiên là nhà báo Trần Kim Xuyến, hy sinh ngày 3/3/1947. Nhà báo Trần Kim Xuyến sinh năm 1921, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh, nguyên Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, nay là Việt Nam Thông tấn xã. Liệt sĩ cuối cùng kháng chiến chống Mỹ là nhà báo Nguyễn Đức Hoằng, sinh ngày 8/4/1942, quê Tân Yên, Hà Bắc, phân xã trưởng Lộc Ninh hy sinh ngày 6/8/1974. Nhà báo duy nhất hy sinh tháng 2/1978 trong đội quân tình nguyện giúp nhân dân Campuchia tiêu diệt họa diệt chủng Pôn Pốt là Vũ Hiến, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng, phóng viên báo Quân chủng Hải quân. Nhà báo hy sinh tháng 2/1979, bảo vệ Biên giới phía Bắc là phóng viên Bùi Nguyên Khiết, báo Hoàng Liên Sơn. Nhà báo Nguyễn Như Đạt, xưởng phim Quân đội nhân dân. Để có được một mẩu tin, bài phóng sự, một bức ảnh, một thước phim chiến sự, người phóng viên phải đổi bằng mạng sống của mình.
Từ năm 1960 đến năm 1975, Thông tấn xã Việt Nam có gần ba trăm nhà báo ngã xuống khắp các mặt trận, chiến trường nóng bỏng bom đạn mà ác liệt nhất là chiến trường Tây Nguyên, Khu 5, Đông Nam Bộ, đất thép Củ Chi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Lương Nghĩa Dũng, sau này được Đảng, Nhà nước, Quốc hội phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang hy sinh tại trận địa bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Nhà báo Lương Nghĩa Dũng đã ngã xuống dũng mãnh như hơn ba nghìn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320, Sư đoàn 304, Trung đoàn 48 và Trung đoàn 27 mang tên Triệu Hải mà phần đông là con em xứ Nghệ.
Trước 81 ngày đêm quần nhau với địch, giành giật từng tấc đất sạm đen khói bom đạn, hai phóng viên điện ảnh quân giải phóng Lê Viết Thế, Nguyễn Như Dũng hy sinh cùng lúc trên tháp pháo xe tăng của Lữ đoàn 203 khi tiến đánh, giải phóng chi khu Hải Lăng. Dải đất, khúc ruột miền Trung từ Đức Phổ (Quảng Ngãi) ra tới Đông Hà (Quảng Trị), suốt những năm chiến tranh giải phóng thấm máu, xương 15 nhà báo liệt sĩ. Trong những gương mặt quả cảm ấy có nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, người mẹ trẻ dứt ruột gửi con nhỏ Dương Hương Ly mới 2 tuổi tại hậu phương, vượt Trường Sơn vào khu 5 gian nan, ác liệt. Di vật còn lại duy nhất của nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý là chiếc cặp tóc tìm thấy nơi chị “nằm lại đất lành Duy Xuyên” Quảng Nam (Thơ Bài ca hạnh phúc của nhà thơ Bùi Minh Quốc, tưởng nhớ người vợ thân yêu Dương Thị Xuân Quý).
Nhà báo Lê Đoan, nguyên Thư ký Tòa soạn báo Phụ nữ Việt Nam cũng kìm nén bao nhiêu nỗi day dứt, nhớ thương, đành xa hai con nhỏ đứa lớn nhất 6 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tuổi rồi theo đường dây giao liên trên biển trở về quê hương Bến Tre, nhận trọng trách Phó Chủ tịch Hội phụ nữ giải phóng kiêm Tổng Biên tập báo Phụ nữ giải phóng miền Nam. Nhà báo Lê Đoan hy sinh ở Mỹ Tho sau trận bom rải thảm. Nơi chị yên nghỉ bị biến dạng bởi “pháo bầy, bom chụp”. Sau ngày giải phóng, người thân và đồng đội không tìm thấy hài cốt chị. Hai đứa con gào khóc, cào bới dưới lớp đất mủn đen chỉ tìm thấy mảnh áo len màu tím Huế mà mẹ mang theo vào Nam từ năm 1966 khi rời Hà Nội. Nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ hy sinh ở chiến trường Lào. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, chỉ nhặt được lọ penicillin đựng mảnh giấy đã ngả màu ghi tên Phạm Thị Ngọc Huệ, báo Trường Sơn, tại chiến trường xưa, thung lũng Ăng Khăm, Sở Chỉ huy tiền phương Đoàn 559.
Nỗi đau tột cùng chiến tranh đâu chỉ đổ ập xuống thân phận mảnh mai, nhỏ nhoi chị Lê Đoan, Dương Thị Xuân Quý mà với cả những phóng viên, biên tập viên, điện tín viên là nữ nhà báo liệt sĩ, hy sinh trên các chiến trường Đông Nam Bộ, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp Mười, khu 8, khu 9 và Tây Nguyên. Họ là nhà báo Phạm Thị Đệ, Trần Thị Gấm, Nguyễn Thị Kim Hương, Nguyễn Thị Mới, Trương Thị Mai, Lê Thị Nàng, Phạm Thị Kim Oanh, Ngô Thị Phước, Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Thị Việt Thủy, Nguyễn Thị Mai, Lê Kim Phương, Nguyễn Thị Nhường, Nguyễn Phương Duy… tất cả đều không tìm thấy phần mộ, hài cốt.
Thời khắc hy sinh có thể khác nhau nhưng nơi an táng đều đặt tại mặt trận nóng bỏng chiến sự, nằm dưới tầm bom đạn ngút trời. Phóng viên Thông tấn xã giải phóng Trung Bộ Lê Văn Luyện, quê ở Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An hy sinh ở mặt trận Quế Sơn (Quảng Nam) năm 1970. Thi hài nhà báo Lê Văn Luyện đặt dưới chân núi Liệt Kiệm, cách xa trận tuyến gần hai nghìn mét, ngỡ là an toàn nhưng bị bom B52 rải thảm mấy đợt, cày lên, dập xuống, nghĩa trang liệt sĩ chỉ còn dày đặc bãi hố bom chồng hố bom. Người con Lê Văn Sơn tốt nghiệp Đại học, tình nguyện vào Quế Sơn (Quảng Nam) dạy học, mong tìm kiếm được hài cốt người cha Lê Văn Luyện. Suốt 4 năm ngược xuôi khắp Quảng Nam nhiều nghĩa trang nhưng vô vọng. Lê Văn Sơn đành an ủi mẹ và các em cha đã hóa thân vào đất đai xứ sở.
Đồng hành bền bỉ, dẻo dai, kiên cường suốt ba mươi năm cùng dân tộc đánh thắng thực dân Pháp, bọn xâm lược Mỹ, bè lũ tay sai ngụy quyền Sài Gòn, giúp bạn Lào giành nền Độc lập năm 1973, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, đánh bại cuộc tấn công xâm lược phía Bắc, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam tổn thất xương máu hơn 500 nhà báo. Riêng Nghệ An có các nhà báo liệt sĩ: Đặng Loan, Trần Văn Thông – Báo miền Tây Nghệ An; Nguyễn Côn – Điện ảnh Quân đội; Lê Duy Quế, Lê Văn Luyện – Thông tấn xã giải phóng; Nguyễn Khắc Thắng – Điện ảnh quân giải phóng Đông Nam Bộ; Hồ Tương Phùng – Đài tiếng nói Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam hy sinh trên 200 nhà báo. Điện ảnh quân đội nhân dân thương vong gần 40 người.
Đài tiếng nói Việt Nam, Đài tiếng nói Nhân dân cách mạng giải phóng hy sinh hơn 50 biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên, nhân viên kỹ thuật.
Họ là những nhà báo xuất sắc, chuyên viên kỹ thuật tài ba, sáng tạo, được đào tạo bài bản từ hậu phương lớn miền Bắc và trưởng thành, tôi luyện trong chiến trường, kiên gan bám trụ ngay cả trên biển nước mênh mông Đồng Tháp Mười. Vượt lên gian nan khốc liệt, nhiều lần bị bom, pháo đánh vào căn cứ nhưng họ đều đặn truyền đi tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, các tổ chức, lực lượng yêu nước, tiến bộ đấu tranh vì Độc lập, tự do, kêu gọi toàn thế giới chống xâm lược, chống chiến tranh phi nghĩa, kêu gọi loài người tiến bộ ủng hộ Việt Nam giành độc lập, thống nhất nước nhà, bảo vệ hòa bình.
Sau ngày chiến thắng 30/4/1975 non sông thu về một mối, trên cả tổn thất, mất mát con người là nỗi ám ảnh dai dẳng, không thể nào nguôi ngoai vì chưa thể tìm thấy phần mộ, hài cốt mấy trăm nhà báo hy sinh sinh rải rác khắp các mặt trận, chiến trường.
Gần một thế kỷ, trong số một triệu hai mươi vạn liệt sĩ cả nước, các anh, các chị nhà báo đang là mây, là sương, là khói, là đất đai, cây cỏ, nhưng chưa thể là cổ tích, chưa thể là dĩ vãng mà lung linh muôn vàn tình thương yêu trùm lên tâm tưởng nhân gian. Để rồi một ngày, trong không gian linh thiêng, hương trầm ngát tỏa tam bảo Chùa Da (Chùa Âu Lạc), một trong số 15.000 ngôi chùa trên cả nước, trong đó có gần 70 chùa ở Nghệ An, minh chứng cho tinh thần “Phật quang phổ chiếu” diễn ra cuộc đại Lễ cầu siêu cho 511 anh linh nhà báo, anh hùng liệt sĩ cách mạng Việt Nam. Đại đức Thích Đồng Tuệ, trụ trì chùa Âu Lạc, Đại đức Thích Đồng Bảo, Thích Đồng Tu trang nghiêm thực hiện nghi lễ thỉnh mời anh linh anh hùng, liệt sĩ nhà báo về dự đại Lễ cầu siêu đúng dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh liệt sĩ, biểu lộ sự quan tâm, biết ơn và trách nhiệm chăm sóc của Đảng, Nhà nước, Đoàn thể tới lớp lớp người có công lớn với Tổ quốc.
Đêm cầu siêu. Không gian chùa Âu Lạc bừng sáng, lung linh muôn ngàn ánh nến. Sinh viên các trường đại học, cao đẳng, thành viên Câu lạc bộ Chùa Âu Lạc, Chùa Hà nền nã trong màu áo nâu thiền, thành kính rước bài vị các anh hùng, liệt sĩ nhà báo cách mạng cả nước vào bàn thờ yên vị tri ân, hương khói muôn thuở muôn đời.
Hương trầm thơm đỏ mỗi ngày. Chuông ngân rung mỗi ban mai, mỗi chiều tỏa ru các anh linh liệt sĩ nhà báo siêu thoát cõi lành.
Có một nhà báo pháp danh là Minh Trí, từng là phóng viên chiến tranh chống Mỹ, ông bỏ ra gần 20 năm tìm kiếm chắp nối các thông tin nhà báo liệt sĩ ngã xuống khắp mặt trận, chiến trường từ năm 1947 cho đến cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc làm nghĩa vụ quốc tế cao cả để năm 2019 hoàn thiện danh sách 511 nhà báo liệt sĩ được đưa vào Bảo tàng báo chí cách mạng Việt Nam và phụng thờ tại Chùa Da (Chùa Âu Lạc). Sau lễ cầu siêu năm Canh Tý, mỗi ngày đều đặn, quên cả nắng mưa, bão gió, ông lặng lẽ, cần mẫn tới chùa dâng hương tưởng vọng các anh hùng nhà báo liệt sĩ cả nước.