Mẹ ngồi trên giường, giữa những tia sáng nhập nhoạng xiên qua mái nhà tranh, chiếc bàn kê sát giường, đặt chiếc mâm tre, trên đó là bát hương nghi ngút khói cùng 9 chiếc bát, 9 đôi đũa. Lưng mẹ còng xuống, đôi mắt mờ đục như nhìn vào vô tận… Đó là bức ảnh chụp mẹ Nguyễn Thị Thứ – người Mẹ anh hùng gánh chịu nỗi đau vô tận trước sự hy sinh của 9 người con trai, 1 người con rể và 2 cháu ngoại.
Tôi đã lặng người trước bức ảnh ấy rất lâu, trong một triển lãm về đề tài người Mẹ của Đại tá Trần Hồng – một người con xứ Nghệ, nhiếp ảnh gia nổi tiếng với những tác phẩm chụp các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển lãm tổ chức năm 2020. Đứng cạnh tôi lúc đó là một nhà báo người Mỹ – Jason Miller.
Người đàn ông cao lớn, có khuôn mặt nom hơi dữ tợn ấy đã ngước đôi mắt đỏ hoe của mình ngắm nhìn từng bức ảnh chân thực trong triển lãm, chăm chú đọc từng dòng chú thích, và nghe thuyết minh viên giới thiệu hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm. Sau này, Jason đã viết loạt bài về sức mạnh Việt Nam đăng tải trên báo Mỹ, trong đó khắc hoạ đậm nét câu chuyện về những bà mẹ Việt Nam anh hùng.
“Việt Nam là đất nước kỳ lạ. Dường như ở đâu bạn cũng có thể bắt gặp những người anh hùng. Người anh hùng không khoác lên mình tấm áo lộng lẫy, họ chỉ là những người đàn ông, phụ nữ, trẻ hoặc già, phần lớn nom thật khắc khổ, nhưng khi Tổ quốc cần, họ sẵn lòng hy sinh tất cả. Nhà cửa, ruộng vườn, tài sản… – tất cả, bạn biết đấy, bao gồm cả chính bản thân họ và người thân trong gia đình họ nữa. Tôi hỏi một bà mẹ anh hùng ở vùng quê miền Trung: Thưa bà, tại sao bà lại động viên những đứa con của mình ra trận, dù biết rằng có thể chúng phải đối mặt với cái chết? Bà cụ ấy trả lời tôi: Tôi thương con tôi như bao người mẹ khác trên thế gian này thương con mình vậy. Nhưng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, khi Tổ quốc lâm nguy, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu, hy sinh xương máu của mình…” – một đoạn trong bài báo mà Jason viết.
Sau đó, qua email, Jason nói với tôi rằng anh đã khóc khi bóc băng ghi âm đoạn phỏng vấn ấy. “Quá chân thực và xúc động!” – Jason viết. Dường như không có ngôn từ nào tả xiết đức hy sinh, tình yêu nước thiết tha của những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Họ, những người phụ nữ mềm yếu nhất của nền văn minh lúa nước, lại chính là những người mang trong mình sức mạnh kiên cường nhất, làm nên hậu phương vững chắc nhất, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của các cuộc kháng chiến trường kỳ.
Tôi đã gặp nhiều người mẹ anh hùng trên khắp dải đất miền Trung. Phần lớn các mẹ đã ở độ tuổi xưa nay hiếm, ký ức vùi lấp trong tầng tầng lớp lớp thời gian và nỗi đau đi cùng năm tháng, thế nhưng, một điểm chung ở các mẹ là khi nhắc đến những đứa con, sâu trong đáy mắt mờ đục vẫn ánh lên niềm khắc khoải. Ôi những đứa con trai, con gái của mẹ, mới hôm qua đây còn chạy ùa vào trong ngõ, reo vui bắt được mớ ốc mớ cua, đêm đêm rì rầm kể chuyện làng trên xóm dưới. Cái thằng con trai nhút nhát của mẹ, thinh thích cô gái đầu làng không dám nói. Cái cô con gái khờ dại của mẹ, nhận chiếc lược làm tin của chàng trai nhà người mà cứ thẹn thùng mãi thôi. Con mẹ, đứa mười tám, đứa đôi mươi, đứa chỉ vừa qua tuổi trăng rằm… một ngày kia về nói với mẹ: Con viết đơn đi bộ đội, mẹ nhé! Mẹ gật đầu, nước mắt chứa chan. Những đứa con của mẹ khoác lên mình bộ quân phục màu xanh, lẫn trong trập trùng đoàn quân ra trận, mẹ áo nâu thấp thoáng bờ đê, vẫy tay nhìn bóng con xa dần, mờ dần, rồi khuất bóng… Có nỗi lo nào lo hơn thế, có nỗi đau nào đau hơn thế? Nhưng, đi đi con, bởi Tổ quốc đang cần! Đi đi con, bởi hoà bình cho đất nước! “Mẹ ơi, hẹn ngày chiến thắng con sẽ về!” – những đứa con ngoái đầu vẫy tay, khuôn mặt ngời lên niềm tin ngày toàn thắng, hô vang lời hẹn đau đáu nhất trên đời. Mẹ ơi, hẹn ngày chiến thắng… Nhưng ngày đó, mẹ còn đây, mà con ở đâu?
Tôi đã từng chụp nhiều bức ảnh về những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ ngồi trong bóng tối. Mẹ ngồi ngoài hiên nhà vắng lặng. Mẹ chống gậy ra đầu ngõ. Mẹ ngồi dưới gốc đa đầu làng. Mẹ nằm, gối đầu lên chiếc áo của các con… Những người mẹ anh hùng có thật nhiều dáng vóc, nhưng ở dáng vóc nào, mẹ cũng hiện ra nhỏ bé mà quá đỗi lớn lao, với thật nhiều bao dung, vị tha, kiên cường, bất khuất. Nghĩ về những người mẹ vĩ đại của dân tộc, lại nhớ về những câu thơ hay đến nhói lòng của nhà thơ, đại tá Lê Anh Dũng: “Xin khắc vào đại ngàn/ Xin khắc vào trời xanh mây trắng/ Xin khắc vào chốn linh thiêng thầm lặng/ Các mẹ anh hùng hóa tượng giữa lòng dân” (Hoá thân).