Trong ngày đầu tiên của tháng 8/2023, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án đầu tư nước ngoài (FDI) do Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc), với tổng mức đầu tư 165 triệu USD tại Nghệ An, trong Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An, thuộc Khu Kinh tế Đông Nam.
Đây là dự án được đánh giá có 2 cái nhất: Đó là dự án có thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư nhanh nhất; từ khi khảo sát đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ gần 2 tháng; thời gian từ khi nộp hồ sơ đến khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ 5 ngày làm việc.
Chính trợ lý đặc biệt của Chủ tịch Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology đã bày tỏ sự ngạc nhiên cho rằng ,“Trong 20 năm thành lập, chưa có dự án nào của tập đoàn có thời gian giải quyết hồ sơ nhanh như vậy”.
Cái nhất thứ hai, đây là dự án có suất đầu tư trên diện tích sử dụng đất rất cao, với 328,74 tỷ đồng/ha, cao nhất hiện nay đối với các dự án FDI trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh 2 cái nhất nêu trên, Nghệ An là tỉnh đầu tiên mà Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology lựa chọn triển khai mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Dự án nêu trên chuyên sản xuất hợp kim nhôm cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử tiêu dùng, năng lượng xanh; sản xuất sản phẩm đúc sơ chế và sản phẩm đúc các loại từ hợp kim nhôm cho phụ trợ ngành sản xuất sản phẩm điện tử; rèn, đập, ép và cán kim loại; sản xuất các chi tiết nhôm gia công nâng cao phụ trợ ngành sản xuất sản phẩm điện tử với công suất 100.000 tấn/năm. Từ tháng 8/2023, dự án sẽ đi vào xây dựng nhà xưởng và dự kiến đến tháng 10/2024, dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động, sử dụng 1.500 lao động.
Sự kiện trên thêm một lần nữa minh chứng cho kết quả tích cực trong công tác thu hút đầu tư mà Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Nghệ An cùng chung sức thực hiện. Đó là thành quả ghi nhận sức mạnh tổng hợp từ sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An trong việc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư kể từ lúc bắt đầu vào khảo sát đến khi dự án đi vào hoạt động. Đó là sự đồng thuận của người dân các địa phương trong việc nhường đất, giải phóng mặt bằng cho phát triển công nghiệp, với kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cho con em, lao động địa phương.
Đáng phấn khởi hơn, trong hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19, Nghệ An đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến khảo sát và lựa chọn là địa điểm tin cậy để đầu tư. Trong năm 2022, Nghệ An xếp thứ 10/63 tỉnh, thành cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Đến tháng 8 năm 2023, Nghệ An đứng thứ 8/63 tỉnh, thành của cả nước về thu hút đầu tư FDI, với nguồn vốn đã thu hút trên 890 triệu USD (tính riêng trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với hơn 70 nhà đầu tư đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ).
Trong nhiều hội nghị, diễn đàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương ở Nghệ An luôn cam kết tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tăng cơ hội việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho người dân và cả tăng thu cho ngân sách. Những kết quả thu hút đầu tư đến hôm nay là cả quá trình “chạy đà” trong nhiều năm trước. Đó là công tác quy hoạch; xây dựng các chính sách ưu đãi qua từng thời kỳ và cả hệ thống chính trị vào cuộc, vận động nhân dân đồng thuận, tạo mặt bằng sạch cho phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế. Để rồi, trên địa bàn Nghệ An có những nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như: VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt… cùng 8 khu công nghiệp khác ở các huyện, thành, thị, với mặt bằng sạch, được xây dựng đường giao thông, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung từng nhấn mạnh: “Nghệ An sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ được gọi là 5 sẵn sàng. Thứ nhất, là sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; thứ hai, là sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; thứ ba, là sẵn sàng về nguồn nhân lực; thứ tư, là sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; thứ năm, là sẵn sàng hỗ trợ”. Cùng với 5 sẵn sàng trên, tỉnh Nghệ An đang hoàn thành các phương án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam đến năm 2040, xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế tích hợp trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam lên khoảng 80.000 ha…
Đặc biệt, trong tháng 7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39 về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Nghệ An tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế- xã hội, trong đó có đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tới.
Giai đoạn 2021-2025, Nghệ An phấn đấu thu hút đầu tư từ 100 – 120 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 75.000 – 90.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD; Giải quyết việc làm cho người lao động đến năm 2025 khoảng 80.000 – 100.000 người. Dự kiến thu ngân sách trong Khu Kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20 – 25% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.