Diện tích hơn 30 ha ruộng của gia đình bà Vi Thị Khuyên ở bản Đồng Minh, xã Châu Hạnh đã bị vùi lấp sau đợt lũ ngày 27/9. Do ruộng lúa nằm sát bờ khe Na Ca nên khi lũ về, toàn bộ diện tích lúa của gia đình và hơn 120 hộ dân bị ngập sâu trong nước lũ, nhiều diện tích bị vùi lấp dưới cát và bùn đất.
Khi bùn khô đặc thì cũng là lúc những bông lúa “no nước” nằm dưới lớp bùn sâu bắt đầu mọc mầm. Cố gắng mót những bông lúa còn nhô lên trên lớp bùn đặc quánh, bà Khuyên chia sẻ: “Lụt vừa qua, gia đình bị ngập lụt nặng nề, tài sản bị ngập trong nước, trong đó có 4 tạ thóc cũng bị ngâm trong nước nguyên ngày nên chỉ có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi. Hiện giờ ruộng cũng bị ngập không có thu hoạch, gia đình xác định sẽ bị thiếu lương thực”.
Nông dân bản Đồng Minh những ngày này mới bắt đầu xuống ruộng thu hoạch lúa. Dù chính quyền địa phương và cán bộ ngành Nông nghiệp vận động nhân dân sau lụt, những diện tích lúa chín từ 60-80% thì “nước rút đến đâu, thu hoạch đến đó” nhưng ở vùng này, lớp bùn đặc quánh, muốn thu hoạch lúa cũng khó khăn.
Ông Lương Văn Thắng ở bản Đồng Minh cũng đang bì bõm trong lớp bùn cao tới đầu gối, vươn người để mót từng bông lúa. Ông Thắng xót xa: “Nếu đánh giá về năng suất, vụ hè thu năm nay năng suất hơn vụ hè thu cùng kỳ năm ngoái do giai đoạn đầu cày, cấy, cây lúa phát triển thời tiết khá thuận lợi. Ruộng lúa của gia đình dự tính chỉ còn 10 ngày nữa thì thu hoạch. Nay thì mất mùa, xót của, xót công bỏ ra nên cố gắng ở lại gặt được hạt nào về còn nuôi gà, nuôi vịt.
Vụ hè thu – mùa năm 2023, toàn huyện Quỳ Châu gieo trồng hơn 1.800 ha, trên địa bàn toàn huyện có hơn 850 ha bị thiệt hại từ 70-100% năng suất. Hàng trăm ha lúa bị san phẳng, lấp thành những bãi cát trắng dày từ 30cm đến 1m.
Ngay sau lũ rút, UBND huyện, ngành Nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn có diện tích lúa bị ngập sâu chỉ đạo người dân khắc phục: Tập trung lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa để hạn chế hư hỏng do lúa đổ ngã, hạn chế lúa mọc mầm và các loại nấm bệnh xâm nhập gây bệnh.
Đối với diện tích lúa giai đoạn chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng tiến hành dựng đứng lúa bằng cách túm 3 – 5 gốc lúa lại với nhau, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa chắc hạt và nhanh chín hơn. Đối với các diện tích lúa chín khoảng 80% trở lên, bà con tranh thủ thời tiết khô ráo, thu hoạch nhanh, kịp thời tránh không để lúa mọc mầm ngay trên đồng ruộng, hạn chế tối đa thiệt hại.
Theo tổng hợp thiệt hại về nông, lâm, ngư nghiệp, toàn huyện Quỳ Châu có trên 850 ha lúa bị ngập úng, vùi lấp; hơn 234 ha cây lâu năm bị ngập, gãy đổ; trên 120 ha hoa màu bị hư hỏng; trên 769 gia súc, 23.000 con gia cầm bị chết. Ước tính thiệt hại trên 142 tỷ đồng.