(Dân trí) – Tuồng là một loại hình sân khấu truyền thống của Việt Nam, khi phát triển rực rỡ nhất dưới triều Nguyễn, nghệ thuật tuồng từng được coi là quốc kịch.
Tuồng hình thành trên cơ sở nghệ thuật ca, vũ, nhạc, những trò diễn xướng và nền văn học thành văn. Đặc trưng độc đáo nhất của tuồng là tính bi hùng. Tuồng được coi là sân khấu của những người anh hùng cao cả.
Hình ảnh tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, trưng bày về nghệ thuật Tuồng có tên “Tuồng cổ trên chất liệu mới.”
Các nhân vật trong tuồng đại diện cho một dạng người khác nhau, mang tính ước lệ, cách điệu, tượng trưng và khái quát cao, đậm chất bi hùng.
Các nhân vật tiêu biểu trong tuồng như: Đào, kép, tướng, lão, nịnh, mụ… Trong mỗi kiểu nhân vật lại chia ra nhiều loại khác nhau. Mỗi vở tuồng, mỗi nhân vật đều là những bài học, tấm gương về đạo lý, đặc biệt là đạo trung quân ái quốc.
Các nhân vật trong tuồng lại mang những đặc điểm, tính cách và hoàn cảnh xuất thân riêng, người xem có thể nhận biết được từng nhân vật khi xuất hiện trên sân khấu. Thủ pháp ước lệ là đặc trưng xuyên suốt. Khoa trương cách điệu là một nguyên tắc thể hiện đòi hỏi các yếu tố ngôn ngữ tham gia trong vở diễn như: Động tác, hóa trang, hát, nói…
Diễn viên tuồng vẽ lên mặt mình những bộ mặt như hình mặt nạ được cách điệu tượng trưng cho các loại nhân vật khác nhau được qui định rõ ràng, chỉ cần nhìn vào nhân vật là biết trung thần hay gian nịnh, già hay trẻ…
Các màu sắc đều thể hiện ngụ ý riêng: Xanh da trời dùng cho nhân vật mưu mô; màu trắng mốc dùng cho nhân vật gian nịnh; mặt vằn vện dùng cho nhân vật võ tướng; màu vàng dùng cho các nhân vật tu hành, thần tiên…
Tuồng chú trọng lột tả cái thần của sự kiện và con người, không đi sâu vào chi tiết tỉ mỉ, dùng phương pháp gợi tả để lôi kéo, kích thích trí tưởng tượng của người xem cùng tham gia sáng tạo và đồng cảm với nghệ sỹ.
Trang phục các nhân vật tuồng dựa theo kiểu trang phục người xưa nhưng được cách điệu để phù hợp với sân khấu. Trong ảnh là bộ trang phục tướng đống.
Các loại phục trang phổ biến có: Mãng; long chấn; áo giáp; áo sỹ; áo bổ tử; cung trang; đai; mũ; hia; râu… Trong ảnh là trang phục tướng đống (màu đen) và trang phục mãng trắng.
Trong sân khấu tuồng truyền thống, đạo cụ chủ yếu là các binh khí. Các nhân vật tướng dùng giáo; lão tướng dùng đại đao; nữ tướng dùng song kiếm; quân lính dùng cung, giáo, mã tấu.
Âm nhạc giữ vai trò hết sức quan trọng trong nghệ thuật tuồng, ngoài việc đệm cho hát, múa, thể hiện các hiệu quả sân khấu, âm nhạc tuồng còn thể hiện tình cảm nhân vật trong các lớp diễn không lời và là cầu nối của thế giới nội tâm nhân vật tới khán giả.
Các loại mặt nạ tuồng được sáng tạo bằng vật liệu mới. Những chiếc mặt nạ hóa trang ấn tượng với đủ các màu sắc sặc sỡ, được thể hiện sống động thông qua các hình khối, đường nét và màu sắc dân gian.
Dantri.com.vn