Nghệ thuật tiểu thuyết là cuốn tiểu luận thứ hai của Milan Kundera được Nhã Nam phát hành trong năm nay, sau Những di chúc bị phản bội.
Cuốn sách dày 231 trang, gồm 7 phần: Di sản bị mất của Cervantes; Trò chuyện về nghệ thuật tiểu thuyết; Ghi chép nảy sinh từ “những kẻ mộng du”; Trò chuyện về nghệ thuật kết cấu; Đâu đó ở phía sau kia; Bảy mươi hai từ và Diễn văn Jérusalem: tiểu thuyết và châu Âu.
Qua 7 chương sách với những nội dung riêng biệt được kết nối trong cùng một tiểu luận, Milan Kundera đưa ra quan niệm của cá nhân về tiểu thuyết châu Âu và lịch sử của nó.
Một số chương là cuộc trò chuyện giữa Kundera và Christian Salmon về những thói quen viết lách và các tác phẩm của nhà văn. Một số chương khác được ông dành để suy ngẫm về các tiểu thuyết gia hiện đại như Hermann Broch và Franz Kafka cùng những giá trị mà họ mang lại cho lịch sử tiểu thuyết.
Ngay từ trang đầu tiên, Milan Kundera nhấn mạnh tinh thần của cuốn sách: “Tôi không hề có tham vọng nào về lý thuyết và rằng toàn bộ cuốn sách này chỉ là tâm sự của một người thực hành?
Tác phẩm của mỗi nhà tiểu thuyết đều chứa đựng một cách nhìn ẩn ngầm về lịch sử tiểu thuyết, một ý tưởng về thế nào là tiểu thuyết; ở đây tôi muốn trình bày chính cái ý tưởng đó, gắn liền với các tiểu thuyết của tôi”.
Milan Kundera, sinh năm 1929, là tác giả Pháp gốc Cộng hòa Séc. Ông định cư tại Pháp từ năm 1975 và trở thành công dân Pháp từ năm 1981.
Sớm nổi tiếng với các bài thơ và tiểu thuyết bằng tiếng Séc, nhưng ông đã chuyển hẳn sáng tác bằng tiếng Pháp từ năm 1995.
Ngoài 14 cuốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn, ông còn viết kịch, phê bình và tiểu luận, với 4 tập tiểu luận về văn học viết trực tiếp bằng tiếng Pháp.
Theo The Guardian, Milan Kundera qua đời ngày 11/7 tại Paris sau thời gian lâm bệnh nặng.
Một số tác phẩm của ông được xuất bản bằng tiếng Việt: Cuộc sống không ở đây; Những mối tình nực cười; Điệu van giã từ; Đời nhẹ khôn kham; Sự bất tử; Chậm; Căn cước; Vô tri; Lễ hội của vô nghĩa…